Lần đó mình tham gia truyền thông giờ chót cho một sự kiện đọc sách thiếu nhi tại địa phương. Sát ngày rồi bên tổ chức vẫn than chưa chốt đủ số lượng tham gia.
Trưa hôm ấy, mình gặp một chị trong Ban tổ chức.
– Chị à, chị nghĩ khách hàng gặp khó khăn gì với việc tiếp cận thông tin về sự kiện?
– Cuối tuần ở đây nhiều chỗ chơi quá em à. Gia đình họ có thể đã lên lịch chỗ này chỗ nọ từ trước rồi…
Thật vậy, khi gặp khó khăn hầu như ai cũng chọn được một lý do nào đấy để giải thích cho tình hình. Mà ngặt nỗi lý do nào nghe cũng hợp lý. Bản thân mình thì khi phân tích SWOT lúc nào cũng tâm niệm rằng trong thách thức luôn có cơ hội. Và những lý do nào đó chỉ mang giá trị tham khảo để đánh giá tình hình. Đợi chị trình bày xong, mình hỏi:
– Chị thấy sự kiện của mình hơn những hoạt động khác cùng thời điểm tổ chức là gì?
– Nhiều lắm em. Mình không thu phí tham gia này, chuyên gia là người bản xứ chuẩn xịn, lại có chứng nhận mang về nữa, chưa kể không gian rộng cơ sở vật chất cũng mới đẹp…
Đó, với từng đấy lý do thì những bậc phụ huynh hoàn toàn có thể thay đổi “kế hoạch từ trước” của họ để trải nghiệm một hoạt động thú vị rồi. Chỉ có điều khi tất cả những lợi ích đó được bày biện ê hề qua những con chữ trên bài post thì không ai quan tâm. Vấn đề ở đây chính là truyền thông, là thông điệp. Đôi khi câu chuyện của chúng ta rất tốt nhưng người ta chưa sẵn lòng lắng nghe nó.
Liếc nhìn một bài với tiêu đề dạng triết lý: “Đã bao lâu ba mẹ không đọc sách cùng con. Ba mẹ có biết việc đồng hành cùng con những năm tháng đầu đời…”. Mình đoán có đến hàng chục thông điệp thế này đập vào mắt các bậc phụ huynh mỗi ngày. Lại liếc nhìn chị gái ngồi cùng mình cũng tầm U40, nghĩa là cùng độ tuổi với đối tượng mục tiêu của sự kiện. (Sự kiện thiếu nhi nhưng người đăng ký là cha mẹ, nên đối tượng cần truyền thông là phụ huynh)
– Chị có bao giờ cho con tham gia các hoạt động ngoại khoá dạng này không?
– Có em. Nhiều lắm. Cứ cuối tuần là một trải nghiệm.
– Chị lựa chọn các sự kiện thế nào?
– Không phải sự kiện nào chị cũng cho đi đâu. Còn xem cái người tổ chức là người thế nào nữa.
– Vậy chị mong muốn con nhận được gì sau những hoạt động đó?
– Chị muốn con tiếp xúc với những người giỏi, và thể hiện thiên hướng lãnh đạo của mình. Với nếu có chứng chỉ chứng nhận mang về càng tốt, tốt cho việc xét các loại học bổng sau này.
Đó, rồi rồi. Người trước mặt mình vừa nói ra những “điều-không-thấy”, hay còn gọi là “insight” mà người làm marketing nào cũng muốn đào sâu tường tận. Không chỉ là để con tham gia trải nghiệm, không chỉ là kết nối với con tăng tình cảm… insight thực sự ở đây chính là để con ở chung môi trường với những người giỏi và thể hiện khả năng nổi trội của mình.
Phụ huynh đôi khi không cần miễn phí, không cần ưu đãi đặc biệt. Họ cần một môi trường hứa hẹn, biết con gặp ai, phát huy được gì và có lợi gì cho tương lai.
Đến đây, mình xin phép cho thay đổi một số yếu tố trong format chương trình và cách thức truyền thông. Mọi người đoán được mình sửa gì chứ. Mình đổi MC chương trình thành hai bạn nói song ngữ, và lựa chọn bằng cách đăng tuyển MC cho sự kiện trên tất cả các kênh truyền thông hiện tại.
Nội dung bài đăng tuyển MC rất đơn thuần, không khoe sự kiện (các post trước đã nói đủ), không mời gọi mà được trình bày “formal” dưới dạng song ngữ, đăng tại các hội nhóm địa phương và hội phụ huynh các trường. Kết quả bất ngờ hơn mình dự kiến, đó là hồ sơ nhận về có cả những bạn xuất sắc hơn mong đợi của Ban tổ chức. Tuy nhiên chương trình chỉ chọn ra hai MC, nên với các bạn không đạt được mời tiếp tục ứng tuyển cho sự kiện sau. Và tất nhiên, bố mẹ các bạn đó đăng ký ngay cho con tham gia sự kiện này, để tham khảo hai bạn MC chính thức làm chủ sân khấu thế nào. Tiếp theo, đơn đăng ký tham gia sự kiện cũng tăng đột biến, vì ngoài hoạt động tuyển MC, sự kiện cũng tạo ấn tượng trong mắt công chúng về sự chỉn chu chuyên nghiệp cũng như tính hàn lâm đầy hứa hẹn.
Diễn biến tiếp theo mình xin phép không kể. Quay lại với sự điều chỉnh nhỏ của mình và bài học rút ra. Mọi người đừng nghĩ việc tuyển MC là “công thức vàng” để áp dụng cho các sự kiện sau. Điều mình muốn nhấn mạnh ở đây chính là việc nắm bắt được insight khách hàng giúp chúng ta làm chủ tình thế. Chi tiết về insight vui lòng xem lại các post trước của mình, xin trích lại một đoạn như sau:
“Insight là danh từ trong tiếng Anh, tạm hiểu là sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng (nói trong ngữ cảnh marketing). “Sight” là danh từ chỉ hiện trạng ta có thể nhìn thấy, “in” là bên trong, “insight” có thể hiểu là sự nhìn thấu của người làm marketing với đối tượng mục tiêu.”
Nói dễ hiểu hơn, ở đây mình đã thay đổi thông điệp từ “sự kiện đọc sách kết nối tình thân, tốt cho sự phát triển của con” thành “sự kiện đọc sách quy tụ những người xuất sắc, tốt cho tương lai của con” nhờ vào việc đào sâu tìm hiểu các bậc cha mẹ.
Tất nhiên kết quả này còn phụ thuộc một quá trình dài đánh giá, nghiên cứu cộng thêm kinh nghiệm của cá nhân mình. Nó đúng trong trường hợp mình kể chứ không thể lấy làm hệ quy chiếu cho tất cả các sự kiện tương tự. Kể chuyện để mọi người hình dung rõ hơn về insight, cách nó được tìm ra và sự tác động đến kết quả truyền thông. Hy vọng câu chuyện có giá trị tham khảo tới các bạn đang tự học content marketing. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!
1 bình luận về “Hiểu thế nào về insight qua câu chuyện tổ chức sự kiện đọc sách”