Trong bài viết trước, mình đã phân tích tầm quan trọng của SEO và lợi ích trong content marketing. Để đạt được kết quả tối ưu, việc hiểu đúng và áp dụng SEO là vô cùng cần thiết. Bài viết này sẽ tập trung cách viết content chuẩn SEO cơ bản nhất dành cho content writer.
1. Nghiên cứu từ khóa (Keyword research)
Mục đích:
Đây là bước đầu tiên của toàn bộ quá trình. Tại đây bạn cần tìm hiểu những từ khóa mà người dùng thường tìm kiếm liên quan đến chủ đề cụ thể. Từ đó có cơ sở tạo ra nội dung đáp ứng đúng nhu cầu của họ.
Cách thực hiện:
- Lập danh sách từ khóa tiềm năng. Dựa trên sản phẩm/dịch vụ, chủ đề nội dung,…
- Sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa. Google Keyword Planner, Google Trends… để tìm các từ khóa liên quan, lượt tìm kiếm, độ khó, xu hướng,…
- Phân loại từ khóa. Các từ khóa sữ được phân chia thành các nhóm như:
- Từ khóa chính: là các từ khóa rộng, lượng tìm kiếm cao, cạnh tranh lớn. Ví dụ: “rau hữu cơ”
- Từ khóa phụ: cụ thể hơn, lượng tìm kiếm thấp hơn, cạnh tranh ít hơn. Ví dụ: “rau hữu cơ Đà Lạt”
- Từ khóa đuôi dài: những từ cụ thể, lượng tìm kiếm thấp, cạnh tranh thấp, nhưng tỷ lệ chuyển đổi cao. Ví dụ: “rau cải xoăn hữu cơ Đà Lạt giao hàng tận nơi”
2. Cách viết content chuẩn SEO (Content Optimization)
Mục đích:
Sau khi đã xác định được từ khóa, ta sẽ có cơ sở tạo nội dung chất lượng, hữu ích, chứa từ khóa tự nhiên, đáp ứng nhu cầu người dùng.
Cách thực hiện:
- Nghiên cứu kỹ chủ đề, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ.
- Sử dụng từ khóa chính và từ khóa liên quan một cách tự nhiên trong nội dung (mật độ 1-2%).
- Tránh nhồi nhét từ khóa.
- Viết nội dung rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng độc giả.
- Bổ sung hình ảnh, video minh họa để tăng tính hấp dẫn.
3. Tối ưu hóa trên trang (On-page SEO)
Mục đích:
Khi đăng một bài viết lên website, đừng chỉ copy – paste từ văn bản soạn sẵn. Ở bước này bạn cần tối ưu các yếu tố trên trang để nội dung thân thiện với công cụ tìm kiếm và thu hút người dùng.
Hướng dẫn triển khai SEO trên trang:
- Tiêu đề (Title Tag): cần hấp dẫn, chứa từ khóa chính, dưới 60 ký tự. Ví dụ: “Rau hữu cơ Đà Lạt tươi ngon, an toàn – Vườn Xanh”
- Mô tả (Meta Description): phần này tóm tắt nội dung, có chứa từ khóa và đảm bảo dưới 160 ký tự. Ví dụ: “Cung cấp rau hữu cơ Đà Lạt chất lượng cao, được chứng nhận VietGAP. Giao hàng tận nơi, đảm bảo tươi ngon.”
- URL (Permalink): cần ngắn gọn, dễ đọc, có chứa từ khóa. Ví dụ: /rau-huu-co-da-lat
- Thẻ heading (H1, H2, H3,…): cấu trúc bài viết cần rõ ràng, đồng thời có sử dụng từ khóa trong thẻ H1, H2. Ví dụ:
- H1: Rau hữu cơ Đà Lạt – Sự lựa chọn an toàn cho gia đình bạn.
- H2: Tại sao nên chọn rau hữu cơ Đà Lạt?
- Tối ưu hóa hình ảnh: đặt tên cho ảnh minh họa, nén ảnh để tải trang nhanh, đồng thời điền thẻ alt là những mô tả chứa từ khóa. Ví dụ:
- Tên file ảnh: rau-huu-co-da-lat.png với
- Alt text: “Rau hữu cơ Đà Lạt tươi ngon”
- Liên kết nội bộ (Internal links): là các liên kết đến các bài viết liên quan trong cùng trang web. Ví dụ link đến các bài viết về các loại rau khác hoặc công thức nấu ăn với rau…
- Liên kết bên ngoài (External links): Liên kết đến các nguồn uy tín ngoài trang như các trang web của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tổ chức chứng nhận hữu cơ…
4. Tối ưu hóa ngoài trang (Off-page SEO)
Mục đích:
Off-page SEO là tập hợp các hoạt động SEO được thực hiện bên ngoài website. Các hoạt động này nhằm cải thiện thứ hạng, tăng lưu lượng truy cập, và xây dựng uy tín cho website trên các công cụ tìm kiếm.
Cách thực hiện:
- Liên kết tự nhiên (Natural links): Là khi các website khác tự nguyện đặt liên kết đến website của bạn mà không cần yêu cầu. Điều này thường do bản thân nội dung chất lượng và hữu ích. Ví dụ: Trang web nấu ăn đề cập đến rau hữu cơ của Vườn Xanh trong một bài về salad.
- Liên kết chủ động (Outreach links): Chủ động liên hệ với các website khác để xin liên kết hoặc trao đổi liên kết. Ví dụ: Vườn Xanh liên hệ với một trang web về sức khỏe để đề xuất trao đổi liên kết. Trong đó mỗi bên sẽ dễn nội dung liên kết đến website bên kia.
- Ngoài ra còn có các hình thức khác như viết bài cộng tác (Guest posting), tiếp thị mạng xã hội (Social media marketing), quảng cáo trên các trang web khác…
5. Tạm kết
Như vậy, cách viết content chuẩn SEO không chỉ là công thức. Nó là một hành trình hợp nhất các kiến thức, kỹ thuật để tạo ra một chiến lược trong content marketing phù hợp mỗi doanh nghiệp. Các bước này có thể điều chỉnh linh hoạt tùy theo tính chất và nguồn lực của mỗi bên hay mỗi cá nhân. Song chung nhất, SEO đòi hỏi sự kiên trì, thời gian thử nghiệm, tối ưu và không ngừng cải tiến. Hy vọng qua bài viết này bạn có thể tự tin ứng dụng những hướng dẫn triển khai SEO vào công việc. Chúc bạn thành công!