Insight là gì – Khám phá thế giới nội tâm đẹp đẽ của con người

Insight là gì? “Sight” trong tiếng Anh chỉ hiện trạng có thể thấy, “in” là bên trong. Trong marketing điều này chỉ sự nhìn thấu khách hàng…

Insight là gì?

Trong thế giới tự nhiên, con người là sinh vật kì diệu và phức tạp nhất. Mỗi người mang một thế giới nội tâm phong phú và phát triển không ngừng. Việc thấu hiểu những tâm lý và hành vi đó được ứng dụng vào nhiều ngành nghề thực tiễn, từ giáo dục, y tế, marketing, thiết kế sản phẩm, dịch vụ khách hàng… Trong đó phải kể đến lĩnh vực content Marketing đang ngày càng phát triển mạnh mẽ

Để tạo ra những nội dung thực sự thu hút và hiệu quả, một content writer  không chỉ cần nắm bắt xu hướng mà cần đi sâu tìm hiểu những suy nghĩ, cảm xúc, động cơ ẩn sâu bên trong khách hàng. Theo đó, chúng ta có thuật ngữ “Insight” – hay còn gọi sự thật ngầm hiểu. Đó là những khám phá bất ngờ về nhu cầu, mong muốn và cả những nỗi niềm chưa được nói ra của công chúng mục tiêu. Giải nghĩa đơn giản: “sight” trong tiếng Anh chỉ hiện trạng ta có thể nhìn thấy, “in” là bên trong. Vì vậy, “Insight” trong content marketing nói dễ hiểu là sự nhìn thấu của người làm marketing dựa trên việc nghiên cứu kỹ lưỡng về nhóm công chúng nào đó.

Sự khác biệt giữa nhu cầu và insight là gì?

Nhu cầu là những đòi hỏi cơ bản của con người về vật chất và tinh thần. Nhu cầu xuất phát từ mong muốn được thỏa mãn các điều kiện sống và phát triển. Trong khi Insight là những suy nghĩ, cảm xúc, động cơ ẩn sâu bên trong con người. Chúng thường không được thể hiện rõ ràng hoặc chưa được nhận thức đầy đủ.

Ví dụ một người chọn mua một chiếc xe hơi để giải quyết nhu cầu di chuyển thiết yếu. Đồng thời qua đó, việc lựa chọn một chiếc xe còn góp phần thể hiện phong cách sống (thanh lịch, thể thao, sang trọng hoặc thân thiện môi trường…).

Như vậy, việc nắm bắt đúng nhu cầu giúp người viết tạo ra nội dung hữu ích, đáp ứng những mong muốn cụ thể của khách hàng. Thấu hiểu Insight trong content marketing giúp ta chạm đến cảm xúc, kết nối sâu sắc và thúc đẩy hành động với nhóm khách hàng mục tiêu. 

Làm thế nào để nghiên cứu Insight

Có nhiều cách để tìm ra Insight, từ việc nghiên cứu, phân tích cho đến giả định, kiểm chứng. Điều này phụ thuộc quy mô nghiên cứu cũng như đặc thù ngành hàng. Theo đó, người làm content marketing có thể trải qua (một hoặc nhiều) các bước sau:

  • Xác định chân dung khách hàng mục tiêu: Việc nắm rõ các thông tin về nhân khẩu học, hành vi, sở thích, nhu cầu và điểm đau của khách hàng giúp ta hình dung rõ ràng về đối tượng đang hướng đến.
  • Nghiên cứu định tính và định lượng: Nghiên cứu định tính giúp chúng ta nắm bắt được suy nghĩ, cảm xúc, động lực, cũng như những nhu cầu tiềm ẩn của các nhóm khách hàng. Trong khi nghiên cứu định lượng cung cấp những con số, thu thập dữ liệu để tham chiếu và đưa ra những quyết định chính xác. 
  • Giả định và kiểm chứng: Thao tác này bổ trợ cho những nghiên cứu trước đó, là tiền đề để khám phá những khía cạnh mới trong hành vi và tâm lý của khách hàng.
  • Kết hợp với trải nghiệm cá nhân: Những người viết có trải nghiệm sâu rộng trong một ngành nào đó thường có sự nhạy bén nhất định, điều này giúp tìm ra những  Insight quý báu và có giá trị trong ngành.

Áp dụng mô hình Maslow vào nghiên cứu Insight

Tháp nhu cầu Maslow là một lý thuyết tâm lý do Abraham Maslow đề xuất vào năm 1943. Mô hình này mô tả các nhu cầu của con người theo một hệ thống phân cấp, từ cơ bản đến cao cấp, bao gồm 05 cấp độ: 

  1. Nhu cầu sinh lý (Physiological Needs): những nhu cầu cơ bản nhất để duy trì sự sống như ăn uống, hít thở, nghỉ ngơi, quan hệ tình dục, bài tiết…
  2. Nhu cầu an toàn (Safety Needs): nhu cầu an toàn như khỏe mạnh, an toàn, ổn định, môi trường sống tốt…
  3. Nhu cầu xã hội (Love and Belonging Needs): nhu cầu được yêu thương, kết nối, thuộc về (nhóm nào đó) trong xã hội.
  4. Nhu cầu được tôn trọng (Esteem Needs): nhu cầu được tôn trọng, công nhận, đánh giá cao về năng lực và thành tựu…
  5. Nhu cầu tự thể hiện (Self-Actualization Needs): đây là nhu cầu cao nhất, khi con người muốn phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, sáng tạo và cống hiến cho xã hội.

Như vậy,

Mặc dù con người có hàng trăm nghìn mong muốn và con số đó vẫn phát sinh mỗi ngày, nhưng nếu soi chiếu vào tháp Maslow thì luôn luôn có năm nhóm cơ bản. Theo đó, những nhu cầu ở tầng dưới thường rõ ràng, hiện hữu và cấp bách, khiến chúng ta dễ nhận ra và ưu tiên giải quyết. Tuy nhiên, cũng chính bởi dễ nhận thấy và dễ giải quyết, những nhu cầu này thường không tạo ra những “điểm đau” (pain point) lớn, khó để lại ấn tượng sâu sắc hay sự day dứt từ nội tâm. Ngược lại, càng lên cao, những nhu cầu càng trở nên trừu tượng, khó nhận biết và đo lường hơn. Một khi được nhận thức và thấu hiểu, chúng mang sức mạnh to lớn, trở thành động lực thôi thúc mạnh mẽ hành vi của khách hàng.

Việc khái quát hóa xu hướng nhu cầu của con người qua tháp Maslow giúp người làm content marketing có thêm những góc nhìn tinh tế về insight. Từ đó thiết kế nên những thông điệp sáng tạo, độc đáo và có giá trị.

Kết luận

Hy vọng bài viết đã giúp bạn phân định rõ ràng insight là gì. Hiểu về insight, một người viết sẽ trở nên tự tin hơn trong công việc. Cụ thể là biết chủ động triển khai nội dung trong những hoàn cảnh cụ thể thông qua việc nghiên cứu sâu để nắm bắt nhu cầu, insight khách hàng. Chúc bạn luôn tìm thấy niềm vui và sự hứng khởi khi khám phá thế giới nội tâm đẹp đẽ của con người.

Viết một bình luận