Insight là một danh từ tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Insight khách hàng mang ý nghĩa sự hiểu biết sâu sắc, thấu hiểu về đối tượng mục tiêu.
Insight được sử dụng trong các ngành marketing, nghiên cứu thị trường, kinh doanh, công nghệ thông tin, tâm lý và các ngành Khoa học xã hội khác. Trong lĩnh vực content marketing, Insight khách hàng chính là việc khám phá ra những sự thật ngầm hiểu. Đó có thể là những điều họ không nói ra hay không tự nhận thức được, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng hoặc sử dụng sản phẩm/dịch vụ.
- Các bà mẹ không chỉ muốn mua thực phẩm tốt cho con, mà còn muốn được công nhận là những người mẹ tuyệt vời.
- Người tiêu dùng không chỉ mua một sản phẩm, mà còn muốn mua trải nghiệm và câu chuyện đằng sau sản phẩm đó.
Các dạng thức của Insight khách hàng
Vì bản chất là những điều sâu kín không được nói ra, nên Insight có hàng nghìn cách biểu hiện. Tuy nhiên khi khát quát lại, Insight có xu hướng được được biểu thị bởi những nhóm như sau:
1. Niềm tin và giá trị
- Niềm tin sâu sắc về bản thân, thế giới, sản phẩm/dịch vụ, thương hiệu. (tin rằng sản phẩm tự nhiên tốt hơn sản phẩm công nghiệp)
- Giá trị quan trọng trong cuộc sống. (như quan điểm sức khỏe là trên hết)
- Định kiến cố hữu về một vấn đề hoặc nhóm người. (khó tin vào chất lượng sản phẩm của các thương hiệu mới ra mắt)
2. Khát khao hoặc động lực
- Ước mơ cháy bỏng, mục tiêu lớn lao. (trở thành doanh nhân thành đạt hoặc người có tầm ảnh hưởng)
- Nhu cầu tiềm ẩn, mong muốn chưa được thể hiện rõ ràng. (muốn cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu)
- Động cơ thầm kín đằng sau hành vi. (mua sản phẩm để thể hiện đẳng cấp)
- Mong muốn thay đổi bản thân hoặc hoàn cảnh. (muốn có một công việc tốt hơn, muốn đổi đời)
3. Trải nghiệm cảm xúc
- Nỗi đau dai dẳng, vấn đề gây khó chịu kéo dài. (luôn cảm thấy thiếu năng lượng và hay trì hoãn mọi việc)
- Trải nghiệm tiêu cực với sản phẩm/dịch vụ. (từng bị lừa đảo khi mua hàng online)
- Khoảnh khắc phát hiện (ơ-rê-ka), sự thay đổi nhận thức đột ngột. (đột nhiên nhận ra mình đã lãng phí thời gian vào…)
- Mâu thuẫn nội tâm giữa các giá trị, niềm tin hoặc mong muốn. (muốn tiết kiệm tiền nhưng lại thích mua sắm, phân vân giữa lối sống YOLO hay tiết kiệm cho tương lai)
4. Thói quen, hành vi
- Thói quen vô thức, hành vi được thực hiện một cách tự động. (luôn so sánh giá trước khi mua hàng)
- Quan điểm khác biệt, cách nhìn nhận độc đáo. (tin rằng thành công không chỉ là vật chất)
Lưu ý rằng các dạng thức trên không phải lúc nào cũng tách biệt rõ ràng mà có thể đan xen và tác động lẫn nhau. Một người có thể có từ 2 đến 3 insight đối với sản phẩm.dịch vụ nào đó. Tóm lại, insight là yếu tố then chốt giúp người làm content marketing thấu hiểu khách hàng. Từ đó tạo nội dung chất lượng, nhắm đúng đối tượng, tăng tính cạnh tranh, xây dựng mối quan hệ bền vững và tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch.
Những tiêu chí của một insight tốt
Tìm ra insight chưa phải chìa khóa tuyệt đối dẫn tới cánh cửa thành công của content. Trên thực tế, có những insight chỉ có giá trị đối với một nhóm công chúng cụ thể. Đôi khi một insight có giá trị ở một thời điểm, nhưng lại bão hòa khi nhiều người khai thác. Theo đó, một insight tốt nên thỏa mãn các yếu tố:
- Sâu sắc: Khám phá những điều sâu kín mà khách hàng chưa nhận thức rõ hoặc chưa thể diễn đạt thành lời.
- Khả thi: Những phát hiện này cần là cơ sở thực tiễn để phát triển các ý tưởng, nên tránh những insight quá xa vời thực tế
- Khác biệt: Mang đến góc nhìn mới, độc đáo, giúp thương hiệu trở nên nổi bật so với đối thủ.
- Liên quan: Phù hợp với bối cảnh, đối tượng khách hàng cũng như mục tiêu của thương hiệu.
- Đúng sự thật: Nếu insight hình thành dựa trên giả định, cần có những thao tác kiểm chứng tính xác thực, từ đó triển khai được những ý tưởng thực tế, chính xác.
Tầm quan trọng của Insight khách hàng trong Content Marketing
Với những tiêu chí trên, insight đóng vai trò then chốt trong content marketing, mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp và giúp tạo ra những chiến dịch thành công. Cụ thể, so với việc không nghiên cứu kỹ, việc nắm được insight giúp content writer rõ ràng trong những việc:
- Thấu hiểu khách hàng: hiểu rõ hơn về nhu cầu, mong muốn, nỗi đau mà khách hàng không sẵn sàng chia sẻ.
- Tạo nội dung phù hợp: là cơ sở để tạo ra thông tin hữu ích, xây dựng nội dung giá trị, thu hút và giữ chân khách hàng.
- Tăng hiệu quả chiến dịch: insight đúng nhắm tới những đối tượng đúng sẽ giúp cá nhân hóa thông điệp cũng như tối ưu hóa chiến dịch marketing.
- Xây dựng mối quan hệ: kết nối cảm xúc với khách hàng. Xây dựng lòng tin và sự ủng hộ bền vững từ họ.
Tạm kết
Nhìn chung, insight khách hàng không chỉ là công cụ, mà còn là sản phẩm của quá trình tư duy. Nó đòi hỏi sự nhạy bén, quan sát, sáng tạo và không ngừng mở rộng. Theo đó, sản phẩm, dịch vụ dù không biết nói nhưng nếu biết cách khai thác, chúng ta hoàn toàn có thể giúp chúng “lên tiếng” và kết nối với công chúng mục tiêu một cách hiệu quả. Đây cũng chính là chìa khóa để xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tạo ra những chiến dịch marketing thành công.