Đáp án chi tiết và gợi ý trả lời cho Bài kiểm content marketing tra 01 sẽ giúp bạn tự học hiệu quả, củng cố và khám phá những điểm cần cải thiện của bản thân.
Phần I: Trắc nghiệm (30 điểm)
A. Ngôn ngữ tiếng Việt
Tổng điểm: 10 điểm, bao gồm 5 câu hỏi, mỗi câu 2 điểm.
1. Trong các từ sau, đâu là từ đúng?
- Chỉn chu
- Chỉnh chu
- Cả hai đáp án trên đều sai
- Cả hai đáp án trên đều đúng
Giải thích: “Chỉn” có nghĩa là thận trọng, tỉ mỉ, kỹ lưỡng. “Chỉn chu” mang nghĩa cẩn thận, chu đáo, đảm bảo mọi khía cạnh được xem xét và hoàn thiện.
2. Chọn từ đúng nhất điền vào dấu ba chấm dưới đây: “Đây là sản phẩm sữa rửa mặt … cho da nhạy cảm”
- Giành cho
- Dành cho
- Cả hai đáp án trên đều sai
- Cả hai đáp án trên đều đúng
Giải thích:
- “Dành cho” là cách dùng đúng với nghĩa để riêng cho ai hoặc việc gì.
- “Giành”: cố gắng đạt được điều gì, hoặc tranh làm điều gì (giành giật, giành lấy) nên “giành cho” là từ sai
3. Chọn từ đúng nhất điền vào dấu ba chấm dưới đây: “Cùng chúng tôi … câu chuyện đẹp của riêng bạn”
- Viết lên
- Viết nên
- Cả hai đáp án trên đều sai
- Cả hai đáp án trên đều đúng
Giải thích:
- “Viết nên” chỉ thành quả của việc viết như viết nên câu chuyện, viết nên bản hùng ca…
- “Viết lên” thể hiện sự tác động về mặt vật lý trên bề mặt nào đó như viết lên bảng, viết lên giấy…
4. Trong các câu sau đây, câu nào sử dụng dấu câu đúng?
- Sản phẩm của chúng tôi chứa các thành phần tự nhiên lành tính như lô hội, cúc La Mã, trà xanh, và nhiều loại thảo mộc khác.
- Sản phẩm của chúng tôi chứa các thành phần tự nhiên lành tính như lô hội, cúc La Mã, trà xanh và nhiều loại thảo mộc khác.
- Sản phẩm của chúng tôi chứa các thành phần tự nhiên lành tính, như lô hội, cúc La Mã, trà xanh, và nhiều loại thảo mộc khác.
- Sản phẩm của chúng tôi chứa các thành phần tự nhiên lành tính, như lô hội, cúc La Mã, trà xanh và nhiều loại thảo mộc khác.
Giải thích:
- Trong câu liệt kê, dấu phẩy được đặt giữa các thành phần của danh sách để phân tách chúng rõ ràng. Chữ “và” được sử dụng để nối hai phần tử cuối cùng trong danh sách.
- Ví dụ: “Chúng tôi cần mua rau, củ, quả và thịt.”
5. Tìm từ mang nghĩa tương đương, có thể thay thế từ “phục hồi” trong câu sau:
“Kem dưỡng da của chúng tôi chứa các thành phần tự nhiên, giúp nuôi dưỡng và phục hồi làn da của bạn.”
- Làm mới
- Cải thiện
- Tái tạo
- Tất cả đáp án trên
Giải thích: Tất cả các từ đều có thể thay thế cho “phục hồi” trong ngữ cảnh này
B. Kiểm tra kiến thức Content Marketing
Tổng điểm: 20 điểm, bao gồm 10 câu hỏi, mỗi câu 2 điểm.
1. “Keyword” trong SEO là gì?
- Cụm từ khóa mà đối thủ cạnh tranh sử dụng
- Cụm từ khóa xuất hiện nhiều nhất trong bài viết
- Cụm từ khóa mà người dùng tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm (như Google)
- Cụm từ khóa do Google gợi ý
Giải thích: Từ khóa (keyword) là những cụm từ hoặc từ ngữ mà người dùng nhập vào công cụ tìm kiếm để tìm thông tin liên quan. Trong SEO, việc nghiên cứu và sử dụng từ khóa phù hợp là rất quan trọng để nội dung của bạn có thể tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu.
2. Để tăng traffic cho website bán đồ thời trang online. Bạn nên tập trung vào loại từ khóa nào?
- Từ khóa chung chung (ví dụ: quần áo)
- Từ khóa thương hiệu (ví dụ: Zara)
- Từ khóa sản phẩm cụ thể (ví dụ: váy maxi)
- Từ khóa khác không liên quan đến sản phẩm
Giải thích: Từ khóa sản phẩm cụ thể giúp thu hút những người dùng đang có nhu cầu mua sắm thực sự, tăng khả năng chuyển đổi thành đơn hàng.
3. “Evergreen content” là gì?
- Nội dung chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian ngắn
- Nội dung có giá trị lâu dài và luôn thu hút người đọc
- Nội dung liên quan đến môi trường
- Nội dung được cập nhật thường xuyên
Giải thích: Evergreen content là những nội dung không bị lỗi thời, luôn hữu ích và có thể thu hút người đọc trong thời gian dài, giúp duy trì lưu lượng truy cập và xây dựng uy tín cho website.
4. Để xây dựng một Content Pillar về chủ đề “sức khỏe”, nên chọn chủ đề nào dưới đây?
- Du lịch
- Dinh dưỡng
- Thời trang
- Công nghệ
Giải thích: Dinh dưỡng là một chủ đề rộng lớn và quan trọng trong lĩnh vực sức khỏe, có thể tạo ra nhiều nội dung liên quan và thu hút sự quan tâm của độc giả.
5. Theo luật quảng cáo Việt Nam, quảng cáo không được:
- Sử dụng hình ảnh người nổi tiếng
- Sử dụng ngôn ngữ nước ngoài
- Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng
- Sử dụng âm nhạc
Giải thích: Luật quảng cáo Việt Nam nghiêm cấm các hành vi quảng cáo gây hiểu lầm, lừa dối hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ.
6. Chọn đáp án bạn cho là đúng nhất với tình huống dưới đây
Bạn là một chuyên gia dinh dưỡng được mời viết bài quảng cáo cho một loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, bạn nhận thấy sản phẩm này chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh công dụng. Bạn nên làm gì?
- Viết bài quảng cáo nhưng không đề cập đến công dụng của sản phẩm
- Yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng khoa học trước khi viết bài
- Viết bài quảng cáo nhưng nói giảm nói tránh về công dụng của sản phẩm
- Từ chối viết bài quảng cáo
Giải thích: Việc quảng cáo sản phẩm mà không có đủ bằng chứng khoa học chứng minh công dụng là vi phạm đạo đức nghề nghiệp và có thể gây hại cho người tiêu dùng.
7. “Podcast” là gì?
- Video ngắn
- Bài viết trên blog
- Hình ảnh động
- Một loại nội dung âm thanh
Giải thích: Podcast là một dạng nội dung âm thanh kỹ thuật số, thường được phát hành theo định kỳ và có thể được tải xuống hoặc nghe trực tuyến.
8. Trong các công cụ dưới đây, đâu là công cụ đo lường hiệu quả của chiến dịch content marketing trên mạng xã hội.
- Facebook Insights
- Google Analytics
- Mailchimp
- SEMrush
Giải thích: Facebook Insights là công cụ phân tích dữ liệu được cung cấp bởi Facebook, giúp đo lường hiệu quả của các bài viết, chiến dịch quảng cáo và hoạt động tương tác trên trang Facebook của bạn.
9. “User-generated content” (UGC) là gì?
- Nội dung do người nổi tiếng tạo ra
- Nội dung do chuyên gia tạo ra
- Nội dung do người dùng tạo ra
- Nội dung do công ty tự tạo ra
Giải thích: UGC là bất kỳ loại nội dung nào (bài viết, hình ảnh, video, đánh giá,…) được tạo ra bởi người dùng (user) và chia sẻ trên các nền tảng trực tuyến.
10. Chọn đáp án bạn cho là đúng nhất với tình huống dưới đây
Một thương hiệu mỹ phẩm muốn tăng tương tác với khách hàng trên mạng xã hội nên sử dụng hình thức nội dung:
- Bài viết blog dài về lịch sử thương hiệu
- Quảng cáo sản phẩm với hình ảnh người mẫu chuyên nghiệp
- Video ngắn hướng dẫn trang điểm hoặc chăm sóc da
- Infographic về thành phần sản phẩm
Giải thích: Video ngắn là hình thức nội dung hấp dẫn, dễ tiếp cận và có khả năng lan truyền cao trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các sản phẩm làm đẹp.
Phần II: Tự luận
A. Tư duy sáng tạo
Viết 10 đến 30 từ liên quan/gợi liên tưởng/gợi cảm xúc từ chủ đề: Nội thất thông minh
Lưu ý trả lời:
- Từ khóa chấp nhận: liên quan đến công nghệ, tiện ích, trải nghiệm người dùng trong không gian sống.
- Không chấp nhận: từ ngữ chung chung, không liên quan đến nội thất hoặc công nghệ
Câu trả lời mẫu: Tiện nghi, hiện đại, kết nối, tối giản, tự động hóa, điều khiển giọng nói, cá nhân hóa, tiết kiệm năng lượng, an toàn, thoải mái…
Tiêu chí chấm điểm:
- Đầy đủ số lượng từ (10-30 từ): 4 điểm
- Các từ liên quan chặt chẽ đến chủ đề: 3 điểm
- Thể hiện sự sáng tạo và đa dạng trong cách tiếp cận: 3 điểm
- Điểm tối đa: 10 điểm
B. Sáng tạo nội dung
1. Đặt tên cho thương hiệu nội thất bạn đã brainstorm ở câu trên
Lưu ý trả lời:
- Tên thương hiệu cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm.
- Thể hiện được tính chất sản phẩm (nội thất thông minh) và đối tượng khách hàng (gia đình trẻ).
- Không nên sử dụng tên quá chung chung hoặc đã được sử dụng bởi thương hiệu khác.
Câu trả lời mẫu: Smart Home, Cozy Tech, Family Nest…
Tiêu chí chấm điểm:
- Tên có tính liên quan (ý nghĩa, phù hợp sản phẩm & khách hàng): 3 điểm
- Độc đáo (dễ nhớ, sáng tạo): 1 điểm
- Ứng dụng (ngắn gọn, dễ hiểu, dễ dùng): 1 điểm
- Điểm tối đa: 5 điểm
2. Viết lại content dưới đây theo hướng tích cực hơn mà vẫn giữ nguyên thông điệp gốc ban đầu
Lưu ý trả lời:
- Câu gốc mang tính đe dọa. Cần xác định các yêu tố tiêu cực như: thể phủ định (không), từ tiêu cực (xử lý).
- Câu viết lại cần mang tính kêu gọi, thân thiện, vẫn truyền tải thông điệp cấm hút thuốc.
- Gợi ý: chuyển ý khẳng định lên đầu, loại bỏ từ tiêu cực.
- Tham khảo bài viết về ngôn ngữ tích cực tại đây.
Câu trả lời mẫu: “Cùng chung tay giữ gìn không gian trong lành, không khói thuốc trong khu vực này bạn nhé!”
Tiêu chí chấm điểm:
- Thể hiện được sự tích cực (ngôn ngữ thân thiện, không đe dọa): 2 điểm
- Rõ ràng (truyền tải đúng thông điệp): 2 điểm
- Sáng tạo (ấn tượng, hấp dẫn): 1 điểm
- Điểm tối đa: 5 điểm
C. Ứng dụng các mô hình content marketing
Phân tích SWOT các khía cạnh liên quan đến Content Marketing cho chiến dịch ra mắt cửa hàng ăn vặt Nhà Cô Út dựa trên những thông tin sau:
Ăn vặt Nhà Cô Út là một cửa hàng bán đồ ăn vặt online mới mở trên Facebook và Instagram, địa điểm tại một thành phố nhỏ của Việt Nam. Cửa hàng chuyên bán các món ăn vặt truyền thống Việt Nam như bánh tráng trộn, nem chua rán, xoài lắc,… với hương vị đặc trưng và giá cả phải chăng. Đối tượng khách hàng mục tiêu của cửa hàng là học sinh, sinh viên và những người trẻ yêu thích đồ ăn vặt.
Lưu ý trả lời:
- Cần tập trung phân tích SWOT trên khía cạnh kiểm tra Content Marketing, không phải SWOT tổng quan về kinh doanh.
- Ví dụ về điểm mạnh trong Content Marketing có thể là: hình ảnh sản phẩm đẹp mắt, khả năng kể chuyện hấp dẫn về món ăn và thương hiệu, có sẵn các công thức nấu ăn độc đáo để chia sẻ…
Câu trả lời mẫu:
Strengths:
- Các món ăn vặt có hình ảnh hấp dẫn, bắt mắt dễ tạo content bằng hình ảnh
- Có thể khai thác câu chuyện thương hiệu, tạo nội dung gần gũi, chân thực
- Giá cả phải chăng, dễ tạo nội dung khuyến mãi, thu hút
- Đối tượng khách hàng rõ ràng, dễ dàng xây dựng nội dung phù hợp
Weaknesses:
- Thương hiệu mới, chưa có nhiều nhận diện
- Chưa có nhiều đánh giá, feedback từ khách hàng để sử dụng làm nội dung
- Nguồn lực sản xuất nội dung có thể hạn chế
- Phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng bởi thuật toán
Opportunities:
- Xu hướng sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm và đánh giá đồ ăn
- Có thể hợp tác với các food blogger, KOLs để quảng bá
- Tạo các cuộc thi, minigame để tăng tương tác và thu hút khách hàng mới
- Sử dụng nội dung video ngắn, livestream để giới thiệu món ăn một cách sinh động
Threats:
- Sự cạnh tranh cao từ các cửa hàng ăn vặt khác, đặc biệt là các thương hiệu lớn
- Khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nội dung do người dùng tạo ra (UGC)
- Thay đổi thuật toán của các nền tảng mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận khách hàng
Tiêu chí chấm điểm:
- Phân tích đầy đủ 4 yếu tố SWOT: 4 điểm
- Mỗi yếu tố có ít nhất 2 nội dung cụ thể: 3 điểm
- Các nội dung liên quan và phù hợp với tình huống thực tế: 3 điểm
- Điểm tối đa: 10 điểm
D. Viết nội dung
Viết 01 đoạn content (200 đến 300 từ) giới thiệu về cửa hàng ăn vặt Nhà Cô Út
Từ những phân tích ở câu trên, giả định bạn là người viết nội dung cho thương hiệu ăn vặt Nhà Cô Út. Hãy viết một bài giới thiệu trên mạng xã hội về sản phẩm, dịch vụ này sao cho đối tượng khách hàng nắm được trọn vẹn đặc điểm và tinh thần của thương hiệu.
Lưu ý trả lời:
Bài viết cần bao quát các nội dung sau:
- Giới thiệu về cửa hàng: Tên cửa hàng, địa điểm (nếu có), hình thức bán hàng (online),…
- Sản phẩm, dịch vụ: Mô tả các món ăn nổi bật, hương vị đặc trưng, nguyên liệu, quy trình chế biến (nếu có),…
- Đối tượng khách hàng mục tiêu: Học sinh, sinh viên, người trẻ yêu thích đồ ăn vặt.
- Lợi ích cho khách hàng: Giá cả phải chăng, hương vị truyền thống, nguyên liệu tươi ngon, an toàn,…
- Kêu gọi hành động: Đặt hàng, theo dõi trang mạng xã hội, ghé thăm cửa hàng,…
- Tinh thần thương hiệu: Tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc, gợi nhớ về tuổi thơ, ẩm thực truyền thống,…
- Mục tiêu chuyển đổi: Thu hút sự chú ý, tạo ấn tượng tốt về thương hiệu, khuyến khích khách hàng hành động (đặt hàng, tương tác,…)
Câu trả lời mẫu:
Thèm ăn vặt mà nhớ hương vị tuổi thơ?
Ghé ngay Nhà Cô Út để thưởng thức những món ăn vặt truyền thống Việt Nam thơm ngon, chuẩn vị! Từ bánh tráng trộn đậm đà, nem chua rán giòn rụm đến xoài lắc chua ngọt, tất cả đều được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo an toàn và giá cả cực kỳ học sinh, sinh viên.
Đặt hàng ngay trên Facebook hoặc Instagram để nhận ưu đãi hấp dẫn!
Tiêu chí chấm điểm:
- Nội dung:
- Giới thiệu đầy đủ và chính xác về cửa hàng, sản phẩm, dịch vụ (10 điểm)
- Thông điệp rõ ràng, hấp dẫn, phù hợp với đối tượng mục tiêu (5 điểm)
- Sử dụng các yếu tố kể chuyện, tạo cảm xúc (5 điểm)
- Hình thức:
- Đảm bảo độ dài yêu cầu (200-300 từ) (2 điểm)
- Ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, không sai chính tả, ngữ pháp (3 điểm)
Lưu ý khi làm các bài kiểm tra content marketing:
- Các đề thi này được thiết kế để giúp bạn đánh giá năng lực khi tự học content marketing, không phải là một bài kiểm tra chính thức.
- Sử dụng AI và tài liệu: Việc tham khảo tài liệu và sử dụng AI không bị cấm, tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích hạn chế việc phụ thuộc. Việc làm bài tuân thủ thời gian và sử dụng thực lực giúp bạn đánh giá chính xác năng lực và sự tiến bộ của bản thân.
- Thời gian làm bài: Hoàn thành bài kiểm tra content marketing trong thời gian đề xuất sẽ giúp thể hiện tốt nhất và đánh giá tối ưu kiến thức cũng như kỹ năng tự học content marketing của bạn.
- Tham khảo thêm các bài kiểm tra khác tại Thư viện đề kiểm tra content marketing của chúng tôi.
Mô hình bài kiểm tra và thang đánh giá này được sáng tạo và ứng dụng giảng dạy bởi Content Dễ Hiểu. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng cho mục đích thương mại!