Tại sao content cần dễ hiểu?

Thế nào là một content dễ hiểu? Có thước đo nào cho sự dễ hiểu hay không, hay chỉ là cảm nhận chủ quan của người viết? Bài viết này sẽ giải đáp phần nào những vấn đề đó.

Bản thân mình là một người trải qua khá nhiều lớp viết content từ khi học đại học cho đến bậc học cao hơn, từ kỹ năng viết báo, viết bài PR, cho đến sản xuất tài liệu truyền thông cho các tổ chức. Có một điểm chung hầu như thầy cô nào cũng nhắc ngay ở các tiết học đầu tiên, đó là: hãy viết đơn giản, viết sao cho mọi người đều hiểu được mình đang muốn nói gì.

Tại sao cần dễ hiểu?

Nếu bạn đang làm công việc liên quan đến viết lách; đã bao giờ bạn nhận được một phản hồi công việc như “Anh thấy bài này cứ sao sao”, “chị thấy bài này chưa đúng, chưa chạm”…? Nếu bạn cảm thấy khó chịu và bế tắc với những bình luận chung chung thế này, có thể bạn đang gặp phải vấn đề với thông điệp bài viết của mình. Nói cách khác là content của bạn chưa đủ rõ ràng, dễ hiểu để người khác dễ dàng góp ý và xây dựng vấn đề.

Đổi lại, khi content đủ dễ hiểu, các cuộc tranh luận sẽ có xu hướng diễn ra như sau:

  • Anh hiểu ý tưởng của em là A, có thể nó chưa phù hợp với đối tượng B trong hoàn cảnh C, em có thể xem xét sửa lại theo hướng D..
  • Quan điểm của em là A đúng không, chị phản đối quan điểm này vì lý do B… Em có thể mở rộng góc nhìn theo hướng C được không?

Đó là cách lý tưởng mà công việc vận hành khi content đủ dễ hiểu. Vậy làm thế nào để viết đơn giản lại? Có phải viết ngắn là đơn giản hay không? 

Thế nào là dễ hiểu?

Một bài viết dễ hiểu là bài viết sau khi xem xong người đọc nắm được thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Hay nói cách khác: người đọc hiểu ý chính của bạn là gì. Càng nhiều người nắm được ý chính đó thì tác phẩm của bạn càng thành công. Nếu nhiều người không hiểu hoặc mỗi người hiểu một kiểu, nghĩa là bài viết của bạn chưa rõ ràng về thông điệp.

Thông điệp là gì?

Thông điệp là ý chính bạn muốn truyền tải, là lý do ra đời bài viết. Thông điệp phải có từ trước khi bài viết ra đời, hình thành dựa trên quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề mà bạn đang hướng tới. Đó chính là đề bài bạn nhận được khi làm bài Ngữ văn ở trường trung học; là yêu cầu của cấp trên khi giao cho bạn bài viết nào đó. Đôi khi bạn tự ra đề bài cho mình, tự tìm ra thông điệp để truyền tải tới công chúng khi không có yêu cầu cụ thể.

Làm thế nào để tìm ra thông điệp?

Để trả lời câu hỏi này, hãy trả lời câu hỏi: bạn viết bài để làm gì. Hay nói cách khác, chỉ ra mục đích viết bài sẽ giúp bạn tìm được thông điệp dễ dàng hơn. Mỗi bài viết đều có mục đích riêng, có bài viết để bán hàng, có bài viết đơn thuần chỉ để chia sẻ cảm xúc cá nhân, hoặc bài viết PR cho cá nhân, tổ chức… Từ đó, bạn có thể thiết kế ra những thông điệp phù hợp mục đích đã đề ra trước đó.

Nghiên cứu vấn đề với 5W1H

Việc chỉ ra mục đích chính là bước đầu của nghiên cứu vấn đề, nằm trong bộ công thức 5W1H: ai, cái gì, ở đâu,  khi nào, tại sao và như thế nào (Who, What, When, Where, Why, How). Công thức này đảm bảo bạn đã nghe ít nhất một lần khi học về bất cứ dạng bài viết nào. Sự thật, đây vẫn là quy trình không thể thiếu đối với người viết dù ở trình độ, cấp bậc nào. Chỉ ra được những điều này giúp bài viết của bạn mạch lạc, rõ ràng, đúng trọng tâm, dễ hiểu và đạt hiệu quả. Cụ thể về cách nghiên cứu và triển khai, xin phép trình bày dài hơn trong một bài viết khác của series “Kiến thức về content”.

Tạm kết

Xin tạm kết chủ đề bằng một trích dẫn của chủ tịch Hồ Chí Minh khi chia sẻ với các nhà báo. (Mặc dù đây là lời căn dặn với các nhà hoạt động báo chí cách mạng đương thời, tuy nhiên chia sẻ này theo mình luôn đúng với người viết ở mọi thể loại và mọi thời kỳ):

“Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc.”

Hồ Chí Minh

Viết một bình luận