TẠI SAO MÌNH KHÔNG VIẾT MỘT QUY TRÌNH HƯỚNG DẪN CỤ THỂ TRONG KHI ĐÃ LẬP RA NHÓM TỰ HỌC CONTENT?
…Hay tính giấu nghề để “lùa gà” bán khóa học, hay có mục đích gì khác? Thực ra mình có làm công việc đào tạo, thời gian làm việc này của mình có thể còn dài hơn thời gian làm marketing thực tế. Tuy nhiên chính vì xuất phát đó, mình hiểu rằng không có một quy trình nào giúp người học áp dụng ra kết quả rõ ràng như 1+1=2.
Có quá nhiều người hỏi mình câu hỏi “Em muốn trở thành một content writer, em có thể học từ đâu?”. Câu trả lời của mình thường bắt đầu bằng một câu hỏi khác “Bạn học ngành gì? Tại sao bạn không yêu thích ngành nghề đã học? Tại sao muốn chuyển hướng?…” Và quan trọng nhất “Bạn có biết có những người được đào tạo đúng ngành với bốn năm đại học cũng đang loay hoay trong con đường sự nghiệp hay không? Làm sao bạn chắc rằng có thể theo kịp những người đó và vượt xa hơn? Và nếu chuyển ngành chỉ vì mong muốn nhất thời, liệu chúng ta có đang vô tình gây ra sự lãng phí chất xám ngay trong xã hội của mình?”
Mình biết đó là một câu trả lời gay gắt, nhưng mong rằng một lần bạn ngẫm lại về tình trạng này. Đối với những người đào tạo, không gì dễ dàng hơn việc đào tạo sinh viên Đại học đúng ngành – những người được quy chuẩn đầu vào ở một thang điểm nhất định, rõ ràng nguyện vọng và định hướng tương lai, ở độ tuổi từ 18 đến 22 sung sức nhất trong học tập và lý tưởng. Đó là cách Bộ Giáo dục và các đơn vị đào tạo đã tạo ra để tối ưu các quy trình và vai trò trong xã hội. Một người “ngoại đạo” muốn trở nên thành thạo trong nghề, thì thời gian rèn luyện ít nhất là bốn năm – bằng thời gian mà một sinh viên đúng chuyên ngành trải qua – chưa kể cần đi thực tập, rèn luyện thực tế và học tư duy mới khi chuyển ngành. Nói như vậy để cho thấy rằng không có một quy trình hay khóa học nào thay thế được công phu mà mình vừa kể. Đó cũng chính là lý do có vài người sau khi đến với mình, họ tự tìm ra câu trả lời, rằng “đây không phải nghề dành cho họ” (Sau khi đã bỏ ra một chi phí lớn).
Nói thì lâu, nhưng quy trình của sản xuất content có thể gói gọn trong vài bước: nghiên cứu, lập kế hoạch, tìm ý tưởng, sản xuất nội dung, lựa chọn kênh phân phối, phân phối và đo lường… Nhưng quan trọng nhất ta không thể làm trọn vẹn những bước này mà thiếu đi kiến thức nền tảng về marketing, truyền thông. Nếu thiếu chúng, việc lập kế hoạch đơn giản là áp các bước mà không hiểu rõ được bản chất, việc triển khai viết hay thiết kế sẽ chỉ dừng lại ở việc sản phẩm có vẻ hay, đẹp mà không chắc đang giải quyết vấn đề gì.
Một lần mình hướng dẫn về mô hình AIDA trong triển khai bài viết (AIDA là viết tắt của Attention, Interest, Desire, Action tương ứng với bốn bước: gây chú ý, làm thích thú, làm khao khát, khiến khách hàng hành động), học viên đã rất vui mừng khi nắm được một công thức có vẻ rất hiệu quả. Mình yêu cầu bài thực hành làm theo mô hình đó và chỉ ra từng yếu tố AIDA. Và kết quả thật sự bất ngờ, đa số mọi người vẫn viết bài y như cũ, chỉ khác ở chỗ thêm vào phần trình bày các bước kể trên. Sau khi hỏi chuyện thì mọi người trả lời mình rằng họ thực sự đã áp dụng công thức đó và thấy là đúng. Họ bắt đầu bằng một cách rất chung chung nhưng thực sự cảm thấy cách tiếp cận đó là gây chú ý. Vậy vấn đề ở đây không phải là không biết quy trình, vấn đề là sự thiếu đi tư duy marketing. Làm thế nào để bạn chắc rằng điều mình viết ra thu hút khách hàng, làm thế nào để điều bạn nghĩ sẽ gây chú ý thực sự gây ấn tượng với khách hàng mục tiêu. Điều đó đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc đối tượng khách hàng, và để thấu hiểu, cần biết cách nghiên cứu, phân tích, giả định, khảo sát, và thêm cả kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực mà nhóm khách hàng ấy thuộc về.
Vậy tại sao mình lập ra Content Dễ Hiểu, và nhóm Tự học content mỗi ngày? Mình muốn đây sẽ là nơi tham khảo những kiến thức thực tế từ những người thực làm rút ra, cung cấp cái nhìn dễ hiểu nhất cho những người đang và không hoạt động trong lĩnh vực này. Người học sẽ có thêm góc nhìn thực tế, còn các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn và phối hợp ăn ý với nhân viên hay đối tác truyền thông của mình. Mình không cung cấp khóa học dạy viết, dạy công cụ dưới dạng khám phá vỏ bọc của vấn đề. Mình không cam kết biến một người từ con số 0 thành một content marketer. Nhưng mình có thể đảm bảo bất cứ ai đọc những bài viết của trang cũng hiểu được mình đang nói về điều gì, hay chí ít đồng cảm với những câu chuyện nghề thực tế.
Ngày hôm qua, sau khi cho làm một khảo sát nhỏ trên nhóm Tự học, mình nhận thấy kỳ vọng của mọi người khi đến đây quá lớn. Điều đó thôi thúc mình viết chia sẻ này. Mình đang ở những ngày đầu tiên xây dựng cộng đồng, nhưng không có nghĩa mình tạo ra những hứa hẹn ảo để thu hút bằng sự kỳ vọng. Chúng mình vẫn sẽ tiếp tục chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm content marketing, dưới dạng những case thực tế để mọi người tham khảo, nâng cao tư duy làm nghề. Sẽ có những chia sẻ về quy trình cơ bản, nhưng không phải dưới dạng cầm tay chỉ việc, và việc này sẽ được thực hiện dần dần. Rất mong một ngày nhóm lớn mạnh để trở thành một thư viện tham khảo toàn diện cho cả người trong và ngoài ngành!
Trả lời thêm hai câu hỏi chúng mình nhận được nhiều nhất thời gian qua, đó là page này không nhận làm content và không nhận đào tạo (ít nhất là cho đến thời điểm này). Hiện tại các admin đều kín lịch bởi các dự án cuối năm, việc lên bài có thể có chút chậm trễ. Rất mong mọi người chia sẻ nhiều hơn để cùng tạo ra một cộng đồng Tự học chất lượng.
Mian,