Cách viết content cho người mới bắt đầu

Bạn băn khoăn không biết nên viết content dài hay ngắn, xưng hô nào cho hợp lý… Sau đây là một hướng dẫn đơn giản cách viết content cho người mới bắt đầu.

Từ ý tưởng đến content hiệu quả

Bài viết trước về tầm quan trọng của nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể chúng ta không thực sự bí ý tưởng mà chỉ đang thiếu thông tin đầy đủ về chủ đề nào đó. Tuy nhiên, có bao giờ bạn gặp tình trạng ngay cả khi đã nghiên cứu đầy đủ vẫn thấy khó khăn trong việc đặt bút viết content?

Bạn băn khoăn không biết nên viết dài hay ngắn, giọng văn nghiêm túc hay hài hước? Bạn phân vân về cách xưng hô và gọi độc giả, nên dùng “tôi, các bạn” hay “em, các mẹ”… Làm thế nào để người đọc dừng lại và chú ý đến content của mình giữa hàng ngàn nội dung khác? Quan trọng hơn, bạn có thiếu tự tin vào những gì mình sắp truyền tải? Nếu câu trả lời là có, bài viết này là một gợi ý dễ hiểu cho bạn.

Quy trình 10 bước cách viết content cho người mới bắt đầu

Sau đây là một quy trình chi tiết và dễ áp dụng, giúp bạn từng bướcviết content hiệu quả. Áp dụng theo, dù chưa thể khẳng định bạn sẽ tạo ra nội dung xuất sắc ngay, nhưng chắc rằng bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn, viết đúng trọng tâm hơn. Đặc biệt không còn tình trạng ngồi cả tiếng mà không thể đặt bút viết dòng nào. Theo đó, một người viết thường trải qua 10 bước sau:

1. Xác định mục tiêu

Trước khi bắt đầu, hãy xác định rõ mục tiêu của nội dung này là gì. Bạn muốn tăng nhận thức về thương hiệu, thúc đẩy mua hàng, tạo khách hàng tiềm năng? Hay đơn giản thu hút sự bàn luận, tương tác? Việc xác định rõ ràng này giúp người viết tập trung vào những gì quan trọng nhất. Đồng thời tránh lạc đề hay lan man không cần thiết.

2. Xác định đối tượng mục tiêu (Target Audience)

Ai là người bạn đang hướng đến khi viết những dòng này? Việc xác định rõ chân dung khách hàng mục tiêu, bao gồm độ tuổi, giới tính, sở thích, hành vi… giúp bạn tạo những nội dung phù hợp, trúng đích và tránh lãng phí nguồn lực.

3. Xác định ý tưởng (Idea)

Ý tưởng chính là cách tiếp cận sáng tạo của một content. Ý tưởng giải quyết những vấn đề mà công chúng đang gặp phải dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc. Tìm ra ý tưởng là trả lời cho câu hỏi “Bạn muốn nói về điều gì, ở góc độ nào?”. Đây là bước khởi đầu, là nền tảng để xây dựng những yếu tố tiếp theo của nội dung.

Ví dụ, khi viết content về chủ đề “trang điểm tự nhiên”, bạn có thể đi từ nhu cầu làm đẹp mà vẫn tiết kiệm thời gian của phụ nữ hiện đại. Từ đó ra đời ý tưởng bài viết hướng dẫn trang điểm dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả.

4. Thiết kế thông điệp

Là một câu văn ngắn gọn, cô đọng, thể hiện rõ ràng ý tưởng mà bạn muốn truyền tải. Thông điệp khiến người đọc dễ dàng ghi nhớ và hành động sau khi đọc xong. Điều này trả lời cho câu hỏi “Bạn muốn người đọc hiểu điều gì, hay làm gì sau khi đọc?”

Ví dụ, từ ý tưởng hướng dẫn trang điểm nhanh chóng hiệu quả ở trên, bạn có thể triển khai thành thông điệp: chỉ 05 phút mỗi sáng bạn gái có thể trở nên tự tin hơn nhờ các bước trang điểm đơn giản này.

5. Xác định phương thức thể hiện

Ở bước này cần lựa chọn cách thể hiện thông điệp một cách hiệu quả nhất, bao gồm: phong cách, giọng điệu, định dạng nội dung, cũng như các kênh phân phối, cách đo lường. Để xác định hiệu quả, cần cân nhắc các yếu tố như đối tượng mục tiêu, mục tiêu, nguồn lực, ngân sách…

6. Lựa chọn từ khóa, từ đắt giá

Để viết content hấp dẫn, chính xác và có tính thuyết phục hơn, ở bước này cần brainstorming để tìm ra những từ đắt giá, cụ thể, từ chuyên ngành (nếu cần). Những từ này giúp thể hiện thông điệp thuyết phục, phù hợp với execution đã chọn.

Ví dụ, khi viết về chủ đề trang điểm tự nhiên, thay vì những từ chung chung như “trang điểm nhẹ nhàng”, hãy thử “no make-up look”, “trang điểm trong veo”…

Những từ ngữ này có thể sử dụng trong tiêu đề, nội dung chính, hoặc các slogan đi kèm. Đồng thời cũng cần nghiên cứu từ khóa (với bài viết website) hoặc hashtag (với bài đăng mạng xã hội) để chọn ra và lồng ghép vào nội dung, tăng hiệu quả bài viết.

7. Lập dàn ý

Sau khi xác định rõ ràng thông điệp và cách thể hiện, lập dàn ý là bước đệm tiếp theo. Dàn ý giúp tạo nên một bài viết mạch lạc, logic và đúng mục đích. Theo đó, chúng ta cần:

  • Chia thông điệp thành các luận điểm chính.

Ví dụ: Từ thông điệp “Thành phố X là điểm du lịch lý tưởng cho cả gia đình“, chúng ta có thể triển khai thành 03 luận điểm chính là:

    • Luận điểm 1: Thành phố X có nhiều di tích lịch sử
    • Luận điểm 2: Thành phố X có nền ẩm thực phong phú
    • Luận điểm 3: Thành phố X có nhiều khu vui chơi dành cho cả gia đình
  • Tìm ra luận cứ và luận chứng để hỗ trợ cho từng luận điểm. Luận cứ là những căn cứ để bổ sung cho luận điểm. Luận chứng là những ví dụ để chứng minh rằng những luận điểm này đúng. 

Ví dụ với luận điểm Thành phố X có nền ẩm thực phong phú. Có thể đưa ra những luận cứ như: thành phố X có rất nhiều địa chỉ ăn vặt mang tính địa phương, đồng thời có cả nhà hàng sang trọng, nhà hàng chay… phù hợp nhiều đối tượng thực khách. Theo đó, luận chứng cho luận cứ này có thể là các địa điểm ẩm thực tại thành phố X để chứng minh cho luận cứ trên.

  • Suy nghĩ và viết ra một vài tiêu đề tiềm năng cho bài viết.

8. Triển khai bài viết – viết content

Đây là bước tốn nhiều thời gian nhất, nhưng cũng có thể trở thành bước dễ dàng nhất nếu chúng ta làm tốt các giai đoạn trước đó. Theo đó, chúng ta cần:

  • Chọn một tiêu đề phù hợp nhất từ danh sách đã viết trước đó.
  • Lần lượt trình bày các luận điểm, kèm theo luận cứ, luận chứng (nếu có).
  • Đảm bảo sử dụng các từ ngữ đắt giá, từ chuyên ngành, từ khóa quan trọng đã tìm ra từ phần trước.
  • Đảm bảo ngôn từ dễ hiểu, chính xác, cụ thể, giữ cách viết chủ động, tích cực.

9. Chỉnh sửa, hoàn thiện, tối ưu

Ở bước này, người viết cần thực hiện các thao tác:

  • Kiểm tra để đảm bảo không có lỗi chính tả, ngữ pháp, hoặc lỗi về nội dung (có thể dùng checklist Ngữ Văn của Content Dễ Hiểu)
  • Đọc lại nội dung để đảm bảo tính mạch lạc, logic, và dễ hiểu. Cắt bỏ những từ ngữ hay diễn đạt chưa phù hợp để hành văn gãy gọn, cô đọng, ý nghĩa.
  • Hoàn thiện nội dung bằng cách thêm hình ảnh, video, hoặc các yếu tố khác nếu cần.
  • Sử dụng checklist SEO (nếu cần) để tối ưu bài viết, cải thiện thứ hạng của website trên công cụ tìm kiếm, thu hút nhiều lưu lượng truy cập hơn.

10. Phân phối và quảng bá

  • Đăng tải nội dung trên các kênh phân phối đã chọn, kiểm tra kỹ bài viết có thỏa mãn các chính sách của nền tảng hay không
  • Sử dụng các phương thức quảng bá phù hợp để tiếp cận thêm đối tượng mục tiêu (quảng cáo trả phí, hợp tác với influencer…).
  • Theo dõi và đo lường bằng các công cụ (tùy theo nền tảng) để đánh giá hiệu quả content.

Tạm kết

Tóm lại, việc triển khai nội dung không chỉ là việc đặt bút viết content đơn thuần. Trên đây là một hướng dẫn dễ hiểu cách viết content cho người mới bắt đầu. Đây là một quá trình chiến lược đòi hỏi sự kiên nhẫn và sáng tạo. Bằng cách áp dụng quy trình trên, bạn có thể truyền đạt tối đa ý đồ của bản thân phù hợp với định hướng ban đầu, thu hút đúng đối tượng mục tiêu, là tiền đề cho việc sản xuất nội dung sáng tạo và có giá trị.

Viết một bình luận