Viết Content Marketing – Các mô hình phổ biến

Là một người tự học content marketing, đã bao giờ bạn tự hỏi liệu việc viết nói riêng và sáng tạo nội dung nói chung có công thức nào để đảm bảo thành công hay không?

Những công thức thường gặp khi viết content marketing

Trên thực tế, để việc viết content marketing dễ dàng hơn với người mơi, có một số công thức được cô đọng lại và chia sẻ như một hướng dẫn căn bản. Tuy nhiên, khác với những “công thức” trong các môn khoa học tự nhiên, những mô hình này trong content marketing linh hoạt hơn, dễ dàng vận dụng và sáng tạo trong nhiều trường hợp.

Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá 04 mô hình đơn giản được áp dụng khá phổ biến khi học viết content, đó là AIDA, PAS, FAB và BAB. Đây là những mô hình cổ điển nhưng hiệu quả, cung cấp một khuôn khổ vững chắc để bạn xây dựng nội dung thu hút và thuyết phục khách hàng.

1. AIDA: Attention – Interest – Desire – Action

Đây là một trong những mô hình cổ điển và phổ biến nhất, được thiết kế dựa trên hành trình trải nghiệm tự nhiên của khách hàng trước một sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể khi viết content marketing áp dụng mô hình này cần thỏa mãn những yếu tố:

  • Attention (Gây chú ý): Thu hút sự chú ý của công chúng bằng tiêu đề hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt hoặc các câu hỏi gợi mở, kích thích.
  • Interest (Tạo sự quan tâm, hứng thú): Duy trì sự quan tâm bằng cách cung cấp thông tin hữu ích, giải quyết vấn đề hoặc kể một câu chuyện hấp dẫn.
  • Desire (Thúc đẩy mong muốn, khát khao): Tạo ra mong muốn bằng cách nhấn mạnh vào những hứa hẹn hấp dẫn, sử dụng các bằng chứng xã hội (review, đánh giá) hoặc tạo cảm giác khan hiếm.
  • Action (Kêu gọi hành động): Thúc đẩy người đọc thực hiện hành động cụ thể như mua hàng, đăng ký nhận thông tin, tải tài liệu, v.v. bằng lời kêu gọi hành động (CTA) rõ ràng.

Mô hình này phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ mới, cần tạo sự chú ý hoặc mang lợi ích cảm tính cao dễ dàng thúc đẩy chuyển đổi hành động.

Ví dụ:

Sản phẩm: Robot hút bụi

Mục đích bài viết: Bán hàng

Chi tiết triển khai:

  • A (Attention): Tiêu đề gây tò mò “Bí mật đằng sau ngôi nhà sạch bong không tốn một giọt mồ hôi”
  • I (Interest): Giới thiệu tính năng thông minh (AI, cảm biến, tự sạc), lợi ích (sạch nhà, tiết kiệm thời gian, bảo vệ sức khỏe).
  • D (Desire): Khơi gợi mong muốn cuộc sống tiện nghi, nhấn mạnh khuyến mãi và số lượng có hạn
  • A (Action): Kêu gọi hành động rõ ràng, tạo cảm giác cấp bách để thúc đẩy mua hàng.

2. PAS: Problem – Agitate – Solution

PAS cũng là một mô hình quen thuộc được sử dụng trong học viết content, theo đó một bài viết sẽ được triển khai theo trình tự:

  • Problem (Vấn đề): Xác định vấn đề hoặc nỗi đau mà khách hàng mục tiêu đang gặp phải.
  • Agitate (Kích thích, khuấy động): Làm nổi bật vấn đề. Nhấn mạnh hậu quả tiêu cực nếu không giải quyết kịp thời.
  • Solution (Giải pháp): Đưa ra sản phẩm, dịch vụ như giải pháp hoàn hảo. Giải thích cách nó giải quyết vấn đề và mang lại lợi ích cụ thể.

Cần lưu ý, việc nhấn mạnh nỗi đau của khách hàng ngay từ đầu rất dễ tạo sự quan tâm. Bởi theo đúng xu hướng tâm lý, con người dễ bị chú ý bởi điều tiêu cực. Tuy nhiên điều này cũng có mặt trái là dễ tạo hiệu ứng ngược. Theo đó, người đọc có thể bị ác cảm hoặc “nhờn” với những thông điệp PAS. Chính vì thế người học viết content cần tiếp cận vấn đề một cách khéo léo, chân thành. Cần tránh lối viết quá tiêu cực và tập trung nhiều hơn vào phần giải pháp, tương lai. 

Mô hình PAS, vì thế phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ mang lại hiệu quả rõ ràng. Đặc biệt phù hợp khi khách hàng đã nhận thức được rõ ràng vấn đề của mình và đang tìm kiếm một giải pháp thực sự khác biệt.

Ví dụ: 

Sản phẩm: Dịch vụ vệ sinh nhà cửa

Mục đích bài viết: quảng cáo, bán hàng

Chi tiết triển khai:

  • Problem: Bạn quá bận rộn để dọn dẹp nhà cửa?
  • Agitate: Nhà cửa bừa bộn khiến bạn căng thẳng và mệt mỏi?
  • Solution: Dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp sẽ giúp bạn có một ngôi nhà sạch sẽ và thoải mái. Từ đó bạn có thêm thời gian tập trung phát triển cá nhân toàn diện.

3. BAB: Before – After – Bridge

Tương tự như PAS khi vẽ ra hai bức tranh đối lập trước và sau sử dụng sản phẩm, dịch vụ; mô hình BAB cũng đưa người đọc đến hai thái cực khác nhau với giải pháp đặt ở cuối. BAB là câu trả lời cho vấn đề nhức nhối của khách hàng. Cụ thể:

  • Before (Trước): Mô tả tình huống hiện tại của khách hàng. Có thể là những khó khăn hoặc hạn chế họ đang gặp phải.
  • After (Sau): Vẽ ra bức tranh tươi sáng về cuộc sống của họ sau khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Nhấn mạnh sự thay đổi tích cực.
  • Bridge (Cầu nối): Giải thích cách sản phẩm/dịch vụ với vai trò cầu nối giúp họ đạt được trạng thái “sau” mong muốn.

Chính từ những điểm tương đồng với PAS, việc tiếp cận “before” cần cẩn trọng, tránh hệ quả tiêu cực. Mô hình này cũng phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ giải quyết vấn đề rõ ràng, mang lại thay đổi tích cực. Tóm lại, những mô hình như BAB vẫn hiệu quả trong những hoàn cảnh nhất định nếu người học viết content khai thác đúng. Đó là đúng trọng tâm, đúng mực ngôn ngữ, đúng thông tin, giải pháp. Có thể tham khảo thêm ngôn ngữ tích cực trong content marketing để có thêm ý tưởng triển khai.

Ví dụ:

Sản phẩm: Dịch vụ du lịch

Mục đích bài viết: Bán hàng

Chi tiết triển khai:

  • Before: Hình ảnh cuộc sống bận rộn, căng thẳng, mệt mỏi.
  • After: Hình ảnh du khách thư giãn trên bãi biển, tận hưởng không gian yên bình.
  • Bridge: Dịch vụ du lịch của chúng tôi sẽ giúp bạn nạp lại năng lượng và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

4. FAB: Features – Advantages – Benefits

Đây cũng là một mô hình thường xuyên được bắt gặp trong content marketing với cấu trúc rõ ràng:

  • Features (Tính năng): Liệt kê các tính năng nổi bật của sản phẩm, dịch vụ.
  • Advantages (Ưu điểm): Giải thích tại sao các tính năng này lại tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh.
  • Benefits (Lợi ích): Làm rõ lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ, tập trung vào lợi ích cảm tính và lý tính.

Các bài viết theo mô hình này có ưu điểm là cung cấp thông tin chi tiết, rõ ràng. Diều này làm nổi bật tính năng và lợi ích của sản phẩm, dịch vụ. FAB phù hợp khi khách hàng quan tâm chi tiết về thông số kỹ thuật, cũng như khi các sản phẩm mang tính năng vượt trội và dễ dàng cảm nhận.

Ví dụ:

Sản phẩm: Áo chống nắng siêu mỏng

Mục đích bài viết: Tăng nhận thức, cung cấp thông tin sản phẩm

Chi tiết triển khai:

  • Features: Chất liệu vải cao cấp, chỉ số UPF 50+, công nghệ làm mát.
  • Advantages: Chống nắng hiệu quả, thoáng khí, nhanh khô, không gây kích ứng da.
  • Benefits: Bảo vệ làn da tối ưu, thoải mái vận động, tự tin diện đồ hè.

Tạm kết

Trên đây là 04 mô hình viết content marketing phổ biến mà bạn có thể tham khảo. Từ đó áp dụng vào chiến lược nội dung của mình. Mỗi lối viết đều có ưu điểm và phù hợp với loại sản phẩm, dịch vụ, công chúng nhất định. Cần lưu ý rằng trong content, không có mô hình nào là tuyệt đối. Thành công nằm ở việc làm chủ content thông qua nghiên cứu và lựa chọn lối viết phù hợp. Chúc bạn luôn chủ động và nhạy bén trong hành trình sáng tạo content marketing.

Viết một bình luận