Content bánh trung thu: “ít ngọt” có còn là lợi thế?

Mùa thu – mùa đẹp nhất trong năm, cũng là mùa chạy đua làm content của những thương hiệu bánh trung thu lớn nhỏ. Thời nay, không ít lần chúng ta bắt gặp những quảng cáo như sau:

“Khác biệt trong sản phẩm của chúng tôi là bánh trung thu ít ngọt, phù hợp với người ăn kiêng, người có lối sống lành mạnh… “

Việc nhấn mạnh rằng sản phẩm ít ngọt có phải một lợi thế cạnh tranh rõ rệt, hay đang trở thành một lối mòn trong việc sáng tạo thông điệp cho sản phẩm bánh trung thu?

Nếu bạn từng tìm hiểu về ngành thực phẩm, chắc hẳn bạn hiểu rằng đường, muối và chất béo chính là chất bảo quản tự nhiên hiệu quả. Đó là lý do những sản phẩm có hạn sử dụng dài như bánh trung thu lại có vị ngọt béo đặc trưng. Nhưng không phải khẩu vị người tiêu dùng nào cũng ưa chuộng hương vị mạnh mẽ ấy. Đó là lý do ngày càng nhiều sản phẩm bánh trung thu thủ công được điều chỉnh lượng đường vừa phải, để phù hợp với thị hiếu của nhiều người hơn.

Tuy nhiên việc điều chỉnh này cũng kéo theo những hệ quả như: hạn sử dụng bánh bị rút ngắn lại, hoặc nhiều người yêu thích bánh truyền thống cảm thấy hương vị quá nhạt nhoà, mất “chất” trung thu. Thậm chí có những người nghe lời quảng cáo “bánh trung thu ít ngọt” đã tự động loại ra khỏi lựa chọn của mình. Như vậy, việc truyền tải thông điệp “ít ngọt” vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là điểm trừ đối với sản phẩm của bạn. Chưa kể, đa số các sản phẩm bánh trung thu giờ đây đều khai thác “insight” này khiến nó ngày càng trở nên nhàm và khó gây ấn tượng với thực khách.

Việc sản xuất bánh trung thu vị cổ truyền hay ít ngọt kiểu mới là chiến lược của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu lựa chọn hướng đi ít ngọt, hãy khéo léo hơn trong việc truyền tải thông điệp với khách hàng. Sau đây là một số lời khuyên khi sản xuất content cho sản phẩm này:

  • Thay vì nói “ít ngọt”, hãy miêu tả hương vị bằng những từ ngữ gợi tả và hấp dẫn hơn. Ví dụ “ngọt thanh”, “ngọt dịu”, thanh tao”, “tinh tế”…
  • Lưu ý người dùng về thời hạn sử dụng bánh tối đa (qua đó khéo léo khoe về thành phần “lành mạnh” của sản phẩm).
  • Gợi ý những món uống giúp tôn lên hương vị của bánh trung thu, phù hợp với cả những người sợ ngọt như trà (qua đó khơi gợi nét đẹp ẩm thực ăn bánh thưởng trà).
  • Gợi ý người dùng chia nhỏ phần ăn để giảm lượng chất béo (có thể vẽ ra khung cảnh gia đình sum họp cùng thưởng thức chung món bánh, qua đó tôn vinh ý nghĩa về tình thân – một chủ đề khá chạm được khai thác mỗi mùa trăng).

Ngoài ra có một đặc trưng khá trái ngang trong mặt hàng này là đa số người mua không ăn, người ăn không mua. Bánh trung thu đa phần được mua để biếu tặng, thể hiện lễ nghĩa, tình cảm. Nên ngoài những nhu cầu trên, khách hàng còn quan tâm đến giá cả và hình thức của sản phẩm. Việc tối ưu hình ảnh và minh bạch về giá cả, chiết khấu cũng như chính sách mua hàng cũng rất quan trọng trong việc thiết kế content bánh trung thu.

Hy vọng bài viết đã mở ra cho bạn những hướng mới trong việc sản xuất nội dung cho sản phẩm bánh mùa trăng tròn. Để được giải đáp thắc mắc về content cụ thể, vui lòng gửi cho chúng mình qua email hoặc bình luận ở dưới các bài đăng!

Viết một bình luận