Học viết content – Bạn đã biết về Brand Personality, Big Idea, Idea

Bạn đang tiến tới học viết content marketing chuyên nghiệp? Hãy khám phá cách tư duy hệ thống, kết hợp Brand Personality, Big Idea và Idea để tạo ra nội dung sáng tạo và thu hút.

Tại sao người học viết content cần nắm rõ ba khái niệm này?

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao khi nhắc đến một thương hiệu nào đó bạn liên tưởng ngay đến sự trẻ trung, năng động? Trong khi một thương hiệu khác lại khiến bạn cảm giác sang trọng, đẳng cấp? 

Trên thực tế, chúng ta thường vô thức gán cho các brand quen thuộc một tính cách, giới tính, thậm chí cả tuổi tác. Điều này không chỉ đúng với logo, slogan, mà còn thể hiện rõ qua những thông điệp truyền thông mà họ thiết kế. Điều này là tình cờ hay là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng? Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá mối tương quan mật thiết giữa ba yếu tố cốt lõi trong content marketing: Brand Personality (tính cách thương hiệu), Big Idea (ý tưởng lớn) và Idea (ý tưởng nội dung). Từ đó hiểu rõ hơn tư duy hệ thống và bí quyết duy trì sự nhất quán trong thông điệp.

Phân biệt Brand Personality, Big Idea và Idea

1. Brand Personality

Tính cách thương hiệu – là tập hợp các đặc điểm, giá trị và niềm tin của một thương hiệu. Tính cách này được thể hiện qua ngôn ngữ, hình ảnh và các hoạt động trong quá trình truyền thông, giao tiếp. Brand personality giống như một kim chỉ nam cho mọi hoạt động content marketing, đảm bảo tính nhất quán trong mọi thông điệp truyền tải.

  • Ví dụ: Một thương hiệu thời trang dành cho giới trẻ sẽ có xu hướng xây dựng tính cách thương hiệu năng động, trẻ trung, gần gũi với khách hàng mục tiêu của mình.

2. Big Idea

Là ý tưởng lớn, thông điệp cốt lõi xuyên suốt mỗi chiến dịch Content Marketing. Big Idea xuất phát từ tính cách thương hiệu, thể hiện rõ giá trị cốt lõi và mục tiêu của thương hiệu muốn truyền tải.

  • Ví dụ thương hiệu thời trang với tính cách năng động, trẻ trung khi tung ra bộ sưu tập mùa hè sẽ đề xuất Big Idea “Khẳng định cá tính riêng”, đồng hành cùng giới trẻ tuyên ngôn về phong cách của chính mình.

3. Idea

Là các ý tưởng content cụ thể, sáng tạo để triển khai nội dung dưới nhiều hình thức khác nhau (bài viết, video, hình ảnh, infographic,…) nhằm truyền tải trọn vẹn Big Idea đến công chúng. Các Idea cần bám sát Big Idea và tính cách thương hiệu, đồng thời đáp ứng nhu cầu và sở thích của đối tượng mục tiêu.

  • Ví dụ: Với Big Idea “Khẳng định cá tính riêng”, các Idea có thể là loạt bài hướng dẫn phối đồ độc đáo hay một cuộc thi phối đồ sử dụng sản phẩm của brand đó.

Tương quan giữa Brand Personality, Big Idea và Idea

Qua những ví dụ trên, có thể thấy Brand Personality là nền tảng định hình Big Idea. Big Idea dẫn dắt và truyền cảm hứng cho các Idea cụ thể. Ba yếu tố này kết hợp chặt chẽ, tạo nên một thông điệp nhất quán và hiệu quả, giúp thương hiệu ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khách hàng. Hiểu rõ mối quan hệ này là bước quan trọng khi bạn học viết content marketing.

Nói cách khác nếu như ví mỗi chiến dịch content như một ngôi nhà thì tính cách thương hiệu chính là bản thiết kế đầu tiên. Bản thiết kế này hướng dẫn mọi giọng điệu, phong cách, giá trị của brand. Theo đó Big Idea giống như nền móng của ngôi nhà, là thông điệp chủ đạo của chiến dịch đó. Cuối cùng, Idea chính là những viên gạch nối tiếp nhau hoàn thiện sản phẩm. Đây là những nội dung cụ thể, từ bài viết, hình ảnh video dựa trên nền móng và thiết kế ban đầu. 

Sự kết hợp hài hòa này là chìa khóa thành công cho một chiến dịch marketing hiệu quả, tạo được ấn tượng mạnh mẽ, thu hút và giữ chân khách hàng.

Case study

  • Thương hiệu: Dove
  • Ngành hàng: Chăm sóc cá nhân
  • Tính cách thương hiệu: Chân thật, tự tin, tôn vinh mọi vẻ đẹp.
  • Chiến dịch: Real Beauty Sketches – 2013 (nằm trong chiến dịch lớn Real Beauty của Dove từ 2004)
  • Big Idea: Vẻ đẹp thực sự đến từ sự tự tin và yêu thương bản thân.
  • Idea: Mời một họa sĩ vẽ chân dung các phụ nữ dựa trên mô tả của chính họ và của người khác về họ.
  • Kết quả: Bức chân dung dựa trên mô tả của người khác thường đẹp hơn. Điều đó chứng minh phụ nữ thường có xu hướng khắt khe với ngoại hình của mình. 

Kết quả

(Chiến dịch đã giành được những giải thưởng danh giá về sáng tạo và hiệu quả. (Titanium Grand Prix tại Cannes Lions và Emmy cho “Outstanding Commercial”). Ngoài ra, chiến dịch còn được vinh danh bởi các tổ chức uy tín khác. (Clio Awards, One Show, ANDY Awards,…).

Kết quả này như một lời nhắc nhở phụ nữ hãy yêu thương chính bản thân mình. Bởi tất cả mọi người đều đẹp theo một cách riêng và xứng đáng được trân trọng. “Real Beauty Sketches” đã tạo ra sự đồng cảm và tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người xem. Nhờ đó được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và được coi là một trong những chiến dịch marketing thành công nhất mọi thời đại. Qua đó càng khẳng định tính cách thương hiệu “chân thật, tự tin, trân trọng” brand chủ đích xây dựng.

Bước đầu của tư duy hệ thống khi học viết content marketing

Case study trên là ví dụ điển hình áp dụng tư duy hệ thống vào việc học viết content. Đã bao giờ trong quá trình sáng tạo, bạn có những ý tưởng với cảm giác rất khả thi? Tuy nhiên lại không biết trình bày với ai, sẽ dùng ra sao, liệu có thành công như tưởng tượng? Trên thực tế, không có một ý tưởng nào vô lý nếu nó được đặt trong một thể thống nhất. Khi ấy người nảy sinh ý tưởng biết họ đang làm gì, ở đâu trong chính hành trình của mình. Việc nắm rõ ba khái niệm trên là những bước đầu tiên của việc hình thành tư duy hệ thống khi bạn tham gia sâu vào quá trình sản xuất content marketing.

Bộ câu hỏi tự xác định ý tưởng

Theo đó, khi nảy sinh một ý tưởng bất kì, bạn có thể tự xác định, kiểm chứng và đánh giá mức độ liên quan cũng như tính khả thi bằng cách tự đặt ra những câu hỏi:

  1. Ý tưởng này về sản phẩm, dịch vụ hay sự vật, sự việc gì?
  2. Nó giúp truyền tải thông điệp gì, dành cho ai?
  3. Nếu thành hiện thực nó tạo tác động gì? (thay đổi nhận thức, tác động cảm xúc, chuyển đổi mua hàng…)
  4. Ý tưởng này có phù hợp với một chiến dịch nào đang triển khai? Nếu có thì Big Idea là gì?
  5. Nếu không thì nó có phù hợp với tính cách thương hiệu? Liệu nó có thể góp mặt trong một chiến dịch mới độc lập? Big Idea chiến dịch mới là gì?
  6. Có những cách nào để truyền tải ý tưởng này hiệu quả (bài viết, hình ảnh, clip…), qua kênh nào?
  7. Nó có khả thi về mặt thời gian, nguồn lực, ngân sách của doanh nghiệp?
  8. Có rủi ro tiềm ẩn nào và hướng khắc phục, giảm thiểu (nếu có)?

Xác định được những điều trên, kết hợp với kỹ năng lập kế hoạch, triển khai content, bạn hoàn toàn có thể trở nên chủ động trong việc phát hiện và hiện thực hóa các ý tưởng một cách có hệ thống và tối ưu. Đây là một kỹ năng không thể thiếu trong content marketing hiện đại. Nó giúp người viết tạo ra những nội dung chất lượng, sáng tạo và bền vững.

Tạm kết

Việc nắm vững mối tương quan giữa tính cách thương hiệu, Big Idea và Idea không chỉ đơn thuần là hiểu rõ ba khái niệm riêng lẻ. Đây còn là chìa khóa để phát triển tư duy hệ thống giúp bạn học viết content hiệu quả. Tư duy này giúp người làm content có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt và tối ưu hóa hiệu quả công việc.

Viết một bình luận