Học được gì từ case “Mua bánh trung thu tặng bao cao su”

“Mua bánh trung thu tặng bao cao su”. Chị cho em hỏi làm thế nào để viết content hay thế này ạ? Vấn đề ở đây không phải làm thế nào để viết được thế này, vấn đề là bạn có bao cao su để tặng cho khách hàng hay không…

Vừa rồi là câu hỏi được một bạn trên nhóm gửi tới và mình sẽ trả lời thành một bài viết vì đây là một trường hợp khá thú vị mà bạn có thể rút ra được nhiều điều khi học về content. 

Mình gọi đây là một content hiệu quả, bởi hiệu ứng mà câu quảng cáo này tạo ra khá tốt ở thời điểm ra mắt. Và đến nay – sau khi ra đời vài năm thì người ta vẫn nhắc tới khi tìm hướng sản xuất content dành cho mùa Trung thu.

Nếu bạn muốn nhân bản một content tương tự, và cố tìm một từ thay thế cho “bao cao su” với mong muốn nó sẽ khớp vần và tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thì có thể bạn đang đi sai đường. Giả sử bạn tìm được một từ rất vần để thay thế trong tiêu đề trên, ví dụ như “Mua bánh trung thu, tặng quả đu đủ”. Câu này chắc chắn dễ nghe dễ nhớ lại gây cười, tuy nhiên chưa chắc đã có tính khả thi. Hay nói cách khác: nói cho vui thì được, nhưng khó để áp dụng tạo ra một chiến dịch truyền thông hiệu quả. Chúng ta cần hiểu rằng: việc gieo vần hay không phải yếu tố tiên quyết của một content tốt. Nó chỉ góp phần tạo thêm sự thú vị, dễ nhớ khi bản thân thông điệp của bạn đã xuất sắc. 

Quay trở lại tiêu đề mà bạn đã đề cập, “mua bánh trung thu, tặng bao cao su”, content này không chỉ hiệu quả ở yếu tố gieo vần. Nếu xét theo các tiêu chí A.I.D.A thì gần như nó đã đạt cả bốn yếu tố chỉ trong một câu ngắn. 

A.I.D.A là một mô hình tiếp thị truyền thống được sử dụng để mô tả quá trình làm cho người tiêu dùng từ quan tâm đến một sản phẩm hoặc dịch vụ cho đến khi thực hiện một hành động cụ thể. A.I.D.A là viết tắt của các từ “Attention, Interest, Desire, Action”. dịch tiếng Việt là “gây chú ý, làm cho thích thú, làm khao khát và hành động”. Mô hình này ngày nay được sử dụng cả trong quảng cáo, tiếp thị số, và tiếp thị truyền thống. Nó cũng có thể được sử dụng như một bộ tiêu chí để đánh giá sự hiệu quả của nội dung tiếp thị và quảng cáo. 

Ở đây, tiêu đề này đã gây được chú ý (Attention) bằng việc đưa ra hai chủ thể không liên quan đến nhau: bánh trung thu và bao cao su. Trong đó, một sản phẩm đang là xu hướng (sắp đến Rằm tháng Tám), sản phẩm còn lại thì khá nhạy cảm. Tiếp theo, việc hai chủ thể không hề liên quan nhưng lại có vần điệu khớp nhau khiến người nghe cảm thấy thích thú (Interest). Và quan trọng nhất, tiêu đề quảng cáo này hứa hẹn một lợi ích thật dành cho người mua hàng, đó chính là quà tặng thiết thực. Không phải một ưu đãi nào khác, việc cụ thể hóa quà tặng đã thôi thúc người nghe khao khát có được sản phẩm với những giá trị cộng thêm (Desire). Và cuối cùng, hành động “tặng” đi kèm ngay sau hành động “mua”, được thể hiện qua cấu trúc câu sóng đôi “mua – tặng”. Cấu trúc này mang đến cho người nghe cảm giác tức thời, góp phần thôi thúc hành động ra quyết định mua hàng (Action).

Phân tích vừa rồi hy vọng đã cung cấp cho bạn phần nào góc nhìn về tương quan giữa content và chiến lược marketing. Quay lại ý ban nãy: Vấn đề ở đây không phải làm thế nào để viết được thế này, vấn đề là bạn có bao cao su để tặng cho khách hàng hay không… Điều quan trọng là bạn đề ra được một chiến lược tốt. Chiến lược tốt dựa trên quá trình nghiên cứu tỉ mỉ sẽ tạo ra thông điệp hay, chạm và hiệu quả. Lúc này thì việc nghiên cứu vần điệu để content thêm phần trau chuốt là điều kiện đủ để lời nói của bạn chạm đến lòng người. 

Làm thế nào để gieo vần hay?

Hãy chắc chắn gieo vần là bước cuối cùng của bạn, sau khi đã có một thông điệp tốt. Lúc này, hãy tạm viết content của bạn dưới dạng văn xuôi và gạch chân những từ khóa. Tiếp theo, vẽ sơ đồ tư duy phát triển từ những từ khóa đó. Cụ thể, chọn một từ khóa và viết tất cả những từ đồng nghĩa, gần nghĩa ra một trang giấy. Tiếp theo, bạn lặp lại quá trình trên với từ khóa còn lại. Cuối cùng, hãy xét xem trong những từ mới viết ra, những từ nào có thể kết hợp với nhau tạo ra vần điệu. 

Giả sử thông điệp bạn muốn gửi gắm trong mùa trung thu này là: “đây là dịp gia đình gắn kết, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ với những kỷ niệm đẹp”. Mình tạm chỉ ra những từ khóa như sau: gắn kết, trẻ thơ, kỷ niệm, đẹp. 

  • Những từ gần nghĩa/đồng nghĩa với “trẻ thơ”: trẻ em, con, con trẻ, thiếu nhi, em bé, đứa trẻ…
  • Những từ gần nghĩa/đồng nghĩa với “gắn kết”: liên kết, kết nối, kết hợp, đồng hành, bên cạnh, bên…
  • Những từ gần nghĩa/đồng nghĩa với “kỷ niệm”: hồi ức, ký ức, hồi tưởng, quá khứ…
  • Những từ gần nghĩa/đồng nghĩa với “đẹp”: quyến rũ, đáng nhớ, đầy đủ, vẹn tròn, hoàn hảo, tuyệt vời…
Một ví dụ về mind map triển khai content Trung thu

Từ kết quả trên, mình chọn ra hai từ khá vần với nhau, đó là “con” “vẹn tròn”. từ đó ta có thể viết lại thông điệp thành một câu có vần điệu như sau:

“Trung thu bên con, ký ức vẹn tròn”.

Hy vọng kết quả vừa rồi đã gợi mở cho bạn quy trình tạo ra vần điệu, cũng như tầm quan trọng của việc nghiên cứu vấn đề trước khi sản xuất content. Chúc bạn áp dụng thành công trong những sản phẩm sắp tới!

Viết một bình luận