Quảng cáo là gì?
Theo Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện thông tin để giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, ý tưởng, tổ chức, cá nhân đến công chúng nhằm mục đích thương mại.
Theo đó, các hình thức quảng cáo phổ biến bao gồm:
- Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông: báo chí, tạp chí, truyền hình, radio, internet, mạng xã hội…
- Quảng cáo ngoài trời: biển quảng cáo, pano, áp phích, tờ rơi…
- Quảng cáo tại điểm bán: POSM, standee, banner…
- Quảng cáo trực tiếp: qua điện thoại, email, tin nhắn…
Luật Quảng cáo là gì?
Luật Quảng cáo là tập hợp các quy định của pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động quảng cáo, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và sự phát triển bền vững của thị trường quảng cáo.
Các nguyên tắc cơ bản của Luật Quảng cáo
- Trung thực. Thông tin chính xác, không gian dối, không gây hiểu lầm.
- Tôn trọng. Không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử.
- Không gây hiểu lầm. Không sử dụng từ ngữ, hình ảnh, âm thanh gây hiểu lầm về bản chất, công dụng, xuất xứ của sản phẩm, dịch vụ.
- Không xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Không quảng cáo lừa đảo, không lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng.
Khi nào cần áp dụng Luật Quảng cáo?
Luật Quảng cáo được áp dụng cho tất cả các hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam. Được áp dụng bất kể hình thức, phương tiện và đối tượng quảng cáo. Điều này có nghĩa, ngay cả khi bạn không chạy quảng cáo trả phí mà chỉ đăng tải các bài viết giới thiệu sản phẩm, review dịch vụ, chia sẻ trải nghiệm khách hàng… trên website, mạng xã hội hay các kênh truyền thông khác, bạn vẫn cần đảm bảo nội dung tuân thủ các nguyên tắc về tính trung thực, minh bạch, không gây hiểu lầm, không xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng… như quy định trong luật.
Luật Quảng cáo và Content Marketing
Content marketing là một hình thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ thông qua việc tạo ra và chia sẻ nội dung có giá trị. Như phần trên đã phân tích, Luật Quảng cáo áp dụng với mọi nội dung bao gồm giới thiệu sản phẩm, review dịch vụ, chia sẻ trải nghiệm khách hàng… Điều này có nghĩa content marketing cần tránh đưa thông tin sai lệch, phóng đại, sử dụng ngôn từ và hình ảnh phản cảm, so sánh không công bằng với đối thủ hay vi phạm bản quyền dưới bất cứ hình thức nào.
Tổng hợp những từ hạn chế phổ biến trên mạng xã hội khi làm content:
Khi chia sẻ về việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, có nhiều hướng dẫn tránh các từ bị “cấm” để tránh rủi ro. Điều này xuất phát từ đâu và có ý nghĩa thế nào trong Luật Quảng cáo? Cùng xem phân tích sau đây về những cụm từ hạn chế phổ biến trên mạng xã hội khi chạy quảng cáo nói riêng và sản xuất content nói chung.
Từ ngữ khẳng định tuyệt đối:
“Cam kết”, “100%”, “chắc chắn”, “hiệu quả tức thì”… Những từ này thường tạo ra kỳ vọng quá cao về sản phẩm, dịch vụ, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Trên thực tế, không phải sản phẩm nào cũng có thể đảm bảo hiệu quả tuyệt đối cho mọi đối tượng. Vì vậy cách diễn đạt có thể bị coi là quảng cáo sai sự thật.
Từ ngữ liên quan đến hoạt chất, chất hóa học
Corticoid, Retinol, AHA, BHA… Việc sử dụng các từ chỉ hoạt chất đặc trị trong quảng cáo có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, khiến họ lầm tưởng sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, việc tự ý công bố các thông tin về hoạt chất, thành phần hóa học cũng có thể vi phạm quy định về bảo mật công thức sản phẩm.
Từ ngữ chỉ bệnh tật
“Trị mụn”, “chống lão hóa”, “béo phì”… Sử dụng các từ này trong content có thể bị coi là quảng cáo sai sự thật. Trên thực tế, các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng KHÔNG có tác dụng điều trị bệnh. Để được chẩn đoán và điều trị chính xác, cần có sự thăm khám và tư vấn từ y bác sĩ và những người có chuyên môn y tế.
Từ ngữ mang tính chất nhạy cảm, kích động
“Tuyệt vời nhất”, “duy nhất”, “sốc”… Cách nói này thường được sử dụng để tạo sự chú ý, thu hút người xem, tuy nhiên dễ gây phản cảm, khó chịu hoặc nhàm chán nếu nghe quá nhiều. Ngoài ra, việc sử dụng thường xuyên các từ ngữ cường điệu cũng làm giảm tính tin cậy của thông điệp quảng cáo.
Từ ngữ so sánh không lành mạnh
“Tốt hơn hẳn đối thủ”, “số một thị trường”… Cách diễn đạt này có thể tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại đến uy tín của các thương hiệu khác. Luật Quảng cáo quy định rõ các quảng cáo so sánh phải dựa trên các tiêu chí khách quan, có căn cứ. Không được bôi nhọ, hạ thấp uy tín của đối thủ.
Như vậy, tuân thủ Luật Quảng cáo không chỉ giúp doanh nghiệp tránh khỏi các vấn đề pháp lý. Mà nó còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Khi nội dung quảng cáo trung thực, minh bạch và tôn trọng khách hàng, doanh nghiệp sẽ xây dựng được uy tín vững chắc, thu hút sự tin tưởng từ người tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả các chiến dịch marketing mà còn hạn chế nguy cơ tranh chấp với đối thủ. Đây cũng là tiền đề tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững.
Làm thế nào Content Marketing hiệu quả và tuân thủ pháp luật
Hiểu được bản chất và mục đích của Luật Quảng cáo, chúng ta sẽ có cái nhìn tích cực và chủ động trong việc sản xuất content có giá trị cho khách hàng và cộng đồng. Theo đó, để nội dung hấp dẫn và đúng mực, người làm content có thể:
Diễn đạt chân thành
Bằng ngôn ngữ tích cực, chứng minh công dụng của sản phẩm, dịch vụ một cách rõ ràng, dễ hiểu, đúng mực, không cố ý lách luật nói lái vấn đề. Ví dụ, thay vì “chống lão hóa” có thể chuyển thành “làm chậm quá trình lão hóa”.
Tập trung vào lợi ích và trải nghiệm
Thay vì tập trung vào các hoạt chất hay công dụng “thần thánh”, hãy tập trung vào những lợi ích cụ thể mà sản phẩm, dịch vụ mang lại cho người dùng. Ví dụ, thay vì nói “Serum X giúp làm trắng da”, bạn có thể nói “giúp làm mờ thâm nám, đều màu da, mang lại làn da rạng rỡ tươi trẻ.”.
Sử dụng từ gợi mở
Thay vì dùng những từ ngữ khẳng định tuyệt đối, hãy sử dụng những từ ngữ khơi gợi sự tò mò, hứng thú của người đọc. Ví dụ, thay vì nói “bảo vệ da hoàn hảo khỏi tia UV”, bạn có thể nói “giúp bảo vệ da tối ưu khỏi tác hại của tia UVA và UVB, để bạn tự tin tận hưởng nắng hè”.
Đưa ra bằng chứng cụ thể
Để tăng tính thuyết phục về hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ. Ví dụ như kết quả nghiên cứu, đánh giá chuyên gia, phản hồi của khách hàng…
Sử dụng hình ảnh, video minh họa
Để truyền tải thông điệp trực quan, sinh động hơn, giúp người xem dễ dàng hình dung thay vì cảm nhận chung chung.
Tạo nội dung đa dạng, hấp dẫn
Thay vì tập trung vào quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, có thể tạo những pillar đa dạng, hấp dẫn như mẹo vặt, hướng dẫn sử dụng, câu chuyện khách hàng… để thu hút và giữ chân công chúng.
Sử dụng storytelling
Kể chuyện là một cách hiệu quả để tạo kết nối cảm xúc, bên cạnh các dạng thức khác có thể chia sẻ những câu chuyện thành công của khách hàng, hoặc những câu chuyện thú vị liên quan đến sản phẩm, dịch vụ.
Kết hợp influencer marketing
Influencer là những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Các nội dung kết hợp với họ có thể dễ dàng tiếp cận và thuyết phục đối tượng khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.
Chú trọng SEO
Việc tối ưu hóa nội dung cho công cụ tìm kiếm giúp content dễ dàng được tìm thấy bởi những người đang quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ.
Tóm lại
Một nội dung hữu ích xứng đáng được nhiều người biết đến và tạo giá trị thông qua việc tuân thủ pháp luật cũng như các quy tắc đạo đức của xã hội. Luật Quảng cáo cũng như các văn bản pháp luật khác sinh ra với mục đích đảm bảo công bằng, minh bạch, an toàn cho mọi đối tượng tham gia vào thị trường quảng cáo. Điều này không chỉ bảo vệ người tiêu dùng khỏi những thông tin sai lệch, mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của marketing nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ Luật Quảng cáo cũng là cách để người làm content thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, tiến bộ. Đây cũng là yếu tố then chốt để tạo ra những content marketing thành công bền vững.