Nghiên cứu trong content marketing – chìa khóa chủ động sáng tạo

Bạn đã bao giờ cảm thấy bí ý tưởng hoặc mất cảm hứng khi bắt tay vào viết bài? Trên thực tế, rất có thể bạn đang thiếu sự nghiên cứu trong content marketing.

Những lúc đó bạn thường chờ đợi có cảm hứng hay chuyển sang làm việc khác. Liệu sự “mất hứng” đó là rào cản hay là lý do trì hoãn cho sự bế tắc nào đó? Trên thực tế, rất có thể bạn không bị “down mood”. Đơn giản có thể bạn chưa nghiên cứu đủ sâu về vấn đề. Điều này dẫn đến không tìm ra được thông điệp chính và khó khăn khi triển khai nội dung.

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao khi viết nhật ký chúng ta có thể thoải mái tuôn trào? Khi nhắn tin kể cho hội bạn về một chuyện thú vị, chúng ta có thể soạn tin say sưa khiến mọi người bị cuốn theo câu chuyện?

Đó là do chúng ta biết rõ người tiếp nhận thông tin là ai, họ quan tâm đến điều gì. Người đọc nhật ký có thể là chính mình (hoặc đôi khi viết để người khác đọc). Hội bạn thân là những người ta hiểu rõ sở thích, thói quen, chủ đề quan tâm, thậm chí cả những tiếng lóng chêm vào giữa câu chuyện. Đó là lý do chúng ta có thể sản xuất nội dung một cách nhanh chóng và tự nhiên đến thế. Nhưng không phải content writer nào cũng có sự hiểu biết sâu rộng sẵn có về nhóm đối tượng mục tiêu hay những yếu tố khác giống như khi kể chuyện cho bạn.

Nghiên cứu là gì?

Nghiên cứu là quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin, từ đó phân tích và đánh giá về một vấn đề hoặc lĩnh vực cụ thể. Mục tiêu của nghiên cứu là khám phá những kiến thức mới, đưa ra kết luận chính xác, làm cơ sở để cung cấp giải pháp, gợi ý cải tiến và ứng dụng vào thực tiễn.

Tầm quan trọng của nghiên cứu trong Content Marketing

Một content writer chủ động là người biết nghiên cứu và không ngại những công việc tưởng chừng như phức tạp này. Theo đó, nghiên cứu là cơ sở để bạn quyết định sẽ viết điều gì (hay không viết điều gì), viết đến đâu và kết thúc ở đâu. Đồng thời, trước một kết quả chưa như ý, người viết chủ động cũng không bối rối mà biết vận dụng các công cụ để tìm ra, đánh giá và đưa ra giải pháp. Cụ thể, việc nghiên cứu giúp chúng ta:

  • Hiểu rõ đối tượng mục tiêu: Nắm bắt được nhu cầu, mong muốn, sở thích, thói quen, cũng như những vấn đề mà họ đang gặp phải.
  • Xác định chủ đề phù hợp: Tạo ra nội dung đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng, thu hút sự chú ý và tạo ra giá trị thực sự.
  • Lựa chọn kênh phân phối hiệu quả: Đưa nội dung đến đúng nơi mà đối tượng mục tiêu thường xuyên tiếp cận.
  • Đo lường và đánh giá kết quả: Nắm bắt được thực trạng hiệu quả của nội dung, từ đó đưa ra những hướng điều chỉnh phù hợp.
  • Tối ưu hóa chi phí và nguồn lực: Việc nghiên cứu kỹ lưỡng giúp tránh lãng phí thời gian, nguồn lực vào những chiến lược không hiệu quả.

Các loại hình nghiên cứu phổ biến trong content marketing

Việc nghiên cứu trong content marketing không chỉ đơn thuần là thu thập dữ liệu. Đây còn là quá trình khám phá và thấu hiểu. Để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc, người viết cần kết hợp nhiều nghiên cứu khác nhau. Dưới đây là một số loại hình nghiên cứu phổ biến và hiệu quả nhất trong lĩnh vực này:

1. Nghiên cứu thị trường

Công việc này giúp ta nắm được bức tranh toàn cảnh của thị trường, từ quy mô, xu hướng, đối thủ cạnh tranh cho đến khách hàng tiềm năng. Các phương pháp nghiên cứu phổ biến:

  • Nghiên cứu sơ cấp: Thu thập dữ liệu trực tiếp thông qua khảo sát, phỏng vấn, nhóm tập trung.
  • Nghiên cứu thứ cấp: Thu thập dữ liệu từ các nguồn có sẵn như báo cáo ngành, bài báo, nghiên cứu của các tổ chức uy tín.

2. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Các kết quả này giúp phân tích điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ, từ đó tìm ra cơ hội và thách thức cho thương hiệu của mình. Các phương pháp nghiên cứu phổ biến:

  • Phân tích tài liệu: Nghiên cứu website và mạng xã hội của đối thủ, xem xét nội dung, thiết kế, cách tương tác với khách hàng.
  • Sử dụng công cụ phân tích: như SEMrush, Google Trends…
  • Tham gia các sự kiện và cộng đồng trực tuyến: để tìm hiểu thêm những góc nhìn của khách hàng, công chúng, thậm chí là nhân viên công ty đối thủ.

3. Nghiên cứu khách hàng

Đây là một quy trình quan trọng, giúp ta hiểu rõ nhu cầu, mong muốn, hành vi và thói quen của khách hàng mục tiêu. Các phương pháp nghiên cứu phổ biến:

  • Khảo sát: Thu thập ý kiến, phản hồi của khách hàng thông qua các bài test dạng điền form, phần review trên fanpage hay ứng dụng thương mại điện tử.
  • Phỏng vấn: Trò chuyện trực tiếp với khách hàng để hiểu sâu hơn về suy nghĩ và cảm nhận của họ.
  • Phân tích dữ liệu từ CRM (Customer Relationship Management) và các công cụ phân tích web (Google Analytics) để xác định các đặc điểm và hành vi phổ biến của khách hàng.
  • Phân tích dữ liệu mạng xã hội: Theo dõi các cuộc trò chuyện, bình luận của khách hàng trên mạng xã hội để hiểu rõ hơn về họ.
  • Phỏng vấn nhóm tập trung: Tổ chức các buổi thảo luận nhóm nhỏ để khách hàng chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm của họ.

4. Nghiên cứu từ khóa

Nghiên cứu từ khóa là một kỹ năng trong quá trình SEO. Quá trình này giúp tìm ra những từ khóa mà khách hàng mục tiêu thường sử dụng để tìm kiếm thông tin trên internet. Các phương pháp nghiên cứu phổ biến:

  • Sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa như Google Keyword Planner, Google Trends…
  • Phân tích nội dung của đối thủ cạnh tranh để tìm ra những từ khóa họ đang sử dụng.

5. Nghiên cứu xu hướng

Thói quen cập nhật thường xuyên giúp người viết nắm bắt những xu hướng mới nhất trong ngành. Từ đó tạo ra nội dung phù hợp và thu hút sự chú ý của khách hàng. Các phương pháp nghiên cứu phổ biến:

  • Theo dõi các trang tin tức, blog, diễn đàn chuyên ngành.
  • Tham gia các hội thảo, sự kiện liên quan đến ngành.
  • Sử dụng các công cụ phân tích xu hướng như Google Trends.

Việc lựa chọn loại hình nghiên cứu phù hợp phụ thuộc vào mục tiêu, ngân sách và nguồn lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên dù sử dụng phương pháp nào, quan trọng nhất chúng ta cần có một kế hoạch nghiên cứu rõ ràng và chi tiết. Điều này giúp tránh khỏi nghiên cứu mà không có định hướng, gây lãng phí nguồn lực, dữ liệu thừa hoặc thiếu, khó khăn trình bày báo cáo hay kết quả không có giá trị về mặt ý nghĩa.

Tạm kết

Trên thực tế, không phải content nào viết ra cũng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Bởi mỗi nội dung sẽ hướng tới những nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên một ý tưởng thực sự xuất sắc rất dễ nhận biết, bởi khả năng lan tỏa rộng rãi, thu hút sự công nhận không chỉ từ đối tượng mục tiêu mà cả những nhóm công chúng khác. Để nhận được sự đồng thuận đó, người làm content cần nắm bắt được bản chất tâm lý con người cũng như bản chất marketing, thực hành nhuần nhuyễn dưới các nghiên cứu chủ động và sáng tạo không ngừng. Chúc bạn luôn thành công trên con đường đó!

Viết một bình luận