Là người sáng tạo nội dung, đã bao giờ bạn nhầm lẫn việc phân biệt văn nói và văn viết, tạo ra những content không phù hợp ngữ cảnh? Ví dụ như đưa ngôn ngữ gần gũi hàng ngày vào văn bản mang tính chính thống và ngược lại?
Điều này dẫn đến sự gượng gạo trong hành văn, giao tiếp, tạo ra khoảng cách vô hình. Nó khiến cho thông điệp dù tốt nhưng mất kết nối với công chúng mục tiêu. Thuật ngữ văn chương gọi hai hình thức này là “văn nói” và “văn viết”. Đây cũng là một trong những chủ đề quan trọng khi tiếp cận content marketing dưới góc độ Ngữ Văn.
Theo đó, văn nói là cách tổ chức ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày. Văn nói mang tính tự nhiên, gần gũi, với những từ ngữ thông dụng, câu ngắn, và kết hợp những yếu tố phi ngôn ngữ (cử chỉ, biểu cảm…). Văn viết là cách tổ chức ngôn ngữ trong các văn bản, tài liệu. Văn viết mang tính chuẩn mực, thường sử dụng từ ngữ chính xác, câu dài hơn và cấu trúc chặt chẽ.
Để chắc chắn bạn đã phân định đúng hai hình thức diễn đạt này, cùng xem bảng so sánh dưới đây để hiểu sâu hơn về ngữ cảnh cũng như ứng dụng của văn nói và văn viết.
10 tiêu chí để phân biệt văn nói và văn viết
1. Mục đích
- Văn nói: Giao tiếp trực tiếp, thể hiện cảm xúc, xây dựng mối quan hệ.
- Văn viết: Truyền đạt thông tin, ghi chép, lưu trữ, bày tỏ quan điểm.
Ví dụ, khi đói bụng, một người có thể nói với bạn rằng “Đói không? Đi ăn gì giờ nhỉ?”. Nhưng trong văn viết câu đó sẽ được diễn đạt là “Tôi cảm thấy đói và đang lựa chọn địa điểm ăn trưa.”
2. Ngữ cảnh
- Văn nói: Được hình thành trong không gian và thời gian cụ thể.
- Văn viết: Không bị giới hạn về không gian, thời gian. Người đọc có thể tiếp nhận thông tin bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.
Ví dụ, khi nhắc đến một buổi hòa nhạc, một người có thể kể rằng “Hôm qua đi xem concert hay dã man!”. Nhưng khi tường thuật trong một bài báo thì nội dung sẽ là: “Buổi hòa nhạc tối ngày 1.5 đã để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng khán thính giả.”
3. Tính chất
- Văn nói: Là quá trình đối thoại, có sự tương tác qua lại giữa các bên.
- Văn viết: Độc thoại, người viết truyền đạt thông tin một chiều đến người đọc.
Ví dụ khi hỏi thăm nhau, một người có thể nói “Dạo này khỏe không bạn” (đợi câu trả lời). Nhưng nếu lời hỏi thăm ấy đặt trong một văn bản như email thì nó nên được diễn đạt là “Tôi hy vọng anh chị đã có một ngày làm việc hiệu quả”
4. Ngôi thứ
- Văn nói: Đa số sử dụng ngôi thứ nhất (mình, tôi, tớ) và thứ hai (bạn, các bạn), tạo sự gần gũi, thân mật. Ngôi thứ ba (anh ấy, cô ấy) ít phổ biến hơn và thường được biến tấu theo ngữ cảnh. Như “ảnh” (anh ấy trong tiếng miền Nam), “chị đó” (thay vì chị ấy).
- Văn viết: Ngôi thứ ba được sử dụng phổ biến nhất (Ông Nguyễn Văn A), tạo tính khách quan và trung lập. Ngôi thứ nhất có thể được sử dụng trong một số thể loại tự truyện, nhật ký (tôi, chúng ta). Ngôi thứ hai ít phổ biến hơn (bạn), thường dùng trong quảng cáo hoặc nội dung hướng dẫn.
5. Trợ từ, từ chỉ tình thái
Là những từ “ạ”, “nhé”, “ừ”, “nhỉ”, “rằng”, “thì”, “mà”, “là”… Những từ này có vai trò quan trọng trong việc thể hiện thái độ, cảm xúc của người nói.
- Văn nói: Sử dụng phổ biến, tạo khoảng ngắt nghỉ ở giữa hoặc nằm cuối câu.
- Văn viết: Hạn chế sử dụng, chỉ dùng trong một số trường hợp đặc biệt như thư từ, thông điệp quảng cáo thể hiện sự thân thiện, hay trong văn học khi tường thuật một cuộc nói chuyện.
Ví dụ khi đồng ý với quan điểm của ai đó, một người có thể nói: “Ừ, đúng rồi đấy!” nhưng trong văn viết, câu này sẽ được viết lại là “Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của anh/chị.”
6. Cấu trúc
- Văn nói: Đơn giản, lỏng lẻo, các câu ngắn, nhiều câu cảm thán, câu hỏi.
- Văn viết: Có cấu trúc phức tạp, chặt chẽ hơn, nhiều câu ghép và mệnh đề phụ.
Ví dụ khi kể chuyện về một chuyến đi, một người sẽ nói “Hôm qua đi chơi vui lắm!”, nhưng chuyển sang văn viết, lời kể sẽ là “Chuyến đi vừa qua đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu mát mẻ và ẩm thực phong phú”
7. Từ vựng
- Văn nói: Từ ngữ thông dụng, bao gồm khẩu ngữ, tiếng lóng, từ địa phương.
- Văn viết: Từ ngữ chuẩn mực, chuyên ngành (nếu có).
Ví dụ chúng ta có thể khen ai đó “Bạn này giỏi quá trời!” nhưng khi khen thưởng, câu văn sẽ được chuyển thành “Anh A là một người có năng lực và phẩm chất đáng quý.”
8. Ngữ pháp
- Văn nói: Cấu trúc câu đơn giản, đôi khi sai ngữ pháp, nhiều lúc lặp từ, ngắt câu giữa chừng.
- Văn viết: Cấu trúc câu chặt chẽ, logic, chuẩn ngữ pháp.
Ví dụ khi ai đó từ chối lời mời, họ có thể trả lời đơn giản là: “Thôi, nay bận rồi. Hôm khác nhé!”. Nhưng nếu là một email từ chối, người viết cần diễn đạt dưới dạng câu đầy đủ: “Rất tiếc, tôi không thể tham gia buổi họp hôm nay do có việc bận đột xuất. Mong anh/chị thông cảm.”
9. Ngữ điệu
- Văn nói: Thay đổi linh hoạt theo cảm xúc, ngữ cảnh.
- Văn viết: Không có ngữ điệu, cảm xúc phần nào thể hiện qua cách sử dụng dấu câu (dấu chấm hỏi, chấm than, ba chấm)
10. Yếu tố phi ngôn ngữ
- Văn nói: Có sự kết hợp với các yếu tố phi ngôn ngữ như cử chỉ, nét mặt.
- Văn viết: Không có yếu tố phi ngôn ngữ, đôi khi có sự biểu đạt qua các ký tự đặc biệt (emoji).
Ví dụ trong giao tiếp, một người có thể gật đầu thay cho sự đồng ý. Còn trong văn viết, người đó có thể sử dụng biểu tượng like (ngón tay cái hướng lên) để làm rõ cho ý đồng tình đó.
Ứng dụng của văn nói, văn viết trong content marketing
Từ phân tích trên hy vọng bạn đã dễ dàng phân biệt văn nói và văn viết. Có thể thấy cả hai hình thức này đều có những ưu điểm và ứng dụng riêng trong sáng tạo nội dung. Văn nói phù hợp với các nội dung hướng đến sự gần gũi, thân thiện. Như bài viết trên mạng xã hội (review, kể chuyện), kịch bản video quảng cáo, podcast. Ngược lại, văn viết sẽ phát huy thế mạnh trong các nội dung cần sự chuyên nghiệp, chính xác. Như bài viết blog, email marketing, tài liệu hướng dẫn cũng như thông báo chính thức trên mạng xã hội.
Hiểu rõ bản chất của cả hai, người làm content marketing có thể dễ dàng lựa chọn văn nói hay văn viết, kết hợp để truyền tải tính cách thương hiệu cũng như kết nối sâu với khách hàng. Đồng thời người viết thành thạo về cả hai thể loại sẽ trở nên tự tin sáng tạo nội dung, xác định giọng văn phù hợp với từng chiến dịch khác nhau. Hy vọng bài viết này đã giải đáp được cho bạn về một trong những điều thú vị nhất của ngôn ngữ chúng ta.